Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chương trình phối hợp giữa UBDT với Bộ KHCN cho thấy: Sau 5 năm phối hợp (2012 - 2017), các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN đã được đẩy mạnh trong các lĩnh vực như: Nghiên cứu phục vụ xây dựng chính sách dân tộc; tăng cường tiềm lực KHCN cho các đơn vị nghiên cứu thuộc UBDT; ứng dụng chuyển giao công nghệ cho vùng DTTS; tuyên truyền nâng cao nhận thức về thông tin KHCN.
![]() |
Bắt đầu từ năm 2017, dự án Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình nuôi bò thịt đã được triển khai tại một số vùng đồng bào DTTS |
Đặc biệt, từ chỗ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp bộ chỉ khoảng 500 triệu đồng vào năm 2012, đến năm 2018 con số này đã là gần 5 tỷ đồng/năm. Nhờ có sự gia tăng quy mô kinh phí hàng năm, UBDT đã có điều kiện từng bước tháo gỡ những khó khăn trong tổ chức thực hiện nhiều đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ xây dựng chiến lược, chương trình, đề án, dự án, chính sách dân tộc…
Trong đó, phải kể đến sự ra đời của Chương trình KHCN cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020: “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về DTTS và chính sách dân tộc Việt Nam đến năm 2030”. Chương trình hướng tới mục tiêu: Cung cấp luận cứ khoa học nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến các DTTS, từ đó thực hiện đổi mới chính sách dân tộc đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đến tháng 4/2018, đã có 73,6 tỷ đồng kinh phí được cấp cho UBDT để triển khai thực hiện 50 nhiệm vụ của chương trình này.
Thông qua chương trình phối hợp, nhiều Ban dân tộc đã đề xuất và trực tiếp chủ trì triển khai một số nhiệm vụ KHCN; Sở KHCN các địa phương cũng tích cực nghiên cứu xây dựng và ưu tiên đề xuất các đề án, đề tài ứng dựng tiến bộ KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Cụ thể như đề tài: “Nghiên cứu giải pháp cảnh báo, phòng tránh giảm thiểu thiệt hại do lũ ống, lũ quét và sạt lở đất gây ra trên địa bàn dân tộc Dao tỉnh Lào Cai”; “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Mông tỉnh Lào Cai”; “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện một số chính sách dân tộc tại 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái”.
Tại tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2012 - 2017, Ban dân tộc và Sở KHCN đã phối hợp, đề xuất, tham mưu cho tỉnh phê duyệt 12 đề tài, dự án KHCN cấp tỉnh với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Chỉ trong năm 2015, Ban dân tộc và Sở KHCN tỉnh Sóc Trăng đã tuyển chọn thực hiện 3 đề tài liên quan đến việc phát huy tinh thần đại đoàn kết của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa… Cùng với các hoạt động nêu trên, một số địa phương đã tham mưu cho UBND cấp tỉnh có cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ, ứng dụng KHCN; lồng ghép, lựa chọn các mô hình sản xuất có hiệu quả để tổ chức, cộng đồng, người dân được tham quan, học hỏi, tạo hiệu ứng lan tỏa.
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân khoa học của UBDT còn trực tiếp tham gia các dự án: “Ứng dụng tiến bộ KHCN phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình”; “Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình nuôi bò thịt vùng đồng bào DTTS tại một số tỉnh trung du, miền núi phía Bắc”…
Một trong những điểm nhấn của chương trình phối hợp giữa UBDT và Bộ KHCN đó là, trên cơ sở thành công của chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2000 - 2015”, Bộ KHCN đã chủ trì, phối hợp với UBDT và các bộ ngành liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2025”. Trong đó, mục tiêu của chương trình nhằm tạo ra những thay đổi căn bản trong tư duy, hành động của đồng bào trong ứng dụng KHCN vào sản xuất; chuyển giao có hiệu quả các tiến bộ khoa học; tăng tỷ lệ các mô hình liên kết ứng dụng KHCN theo chuỗi giá trị hàng hóa…
Mặc dù thời gian phối hợp giữa UBDT và Bộ KHCN chưa lâu, nhưng kết quả đã có thể “nhìn thấy” thông qua sự thay đổi tích cực của vùng DTTS sau khi ứng dụng KHCN. KHCN cũng chính là “sức bật” để hình thành nên nhiều vùng sản xuất hàng hóa rộng lớn. Đây là cơ sở để ông Chu Ngọc Anh – Bộ trưởng Bộ KHCN khẳng định: Thời gian tới, Bộ KHCN sẽ tiếp tục đồng hành cùng UBDT bằng nhiều hoạt động sâu đậm và rõ nét hơn.