Nhiều nhà đầu tư cháy tài khoản vì chứng quyền có bảo đảmChứng khoán, tiền ảo có lượng tìm kiếm tăng vọt |
Sự sụp đổ của một loại tiền ảo
Các nhà đầu tư tiền ảo vừa chứng kiến một trong những "thiên nga đen" tồi tệ nhất trong lịch sử khi 200 tỷ USD vốn hóa thị trường bốc hơi sau sự sụp đổ hoàn toàn của một đồng tiền chính.
Cuối ngày 18/5, trên sàn Coindesk, giá mỗi đồng tiền ảo LUNA (tiền điện tử của Terra) giao dịch ở mức 0,000119 USD. Mức giao dịch gần như bằng 0 đã đẩy nhiều nhà đầu tư vào cảnh trắng tay.
Một nhà đầu tư tại Đắk Lắk xin giấu tên cho biết, đầu năm nay, anh quyết định bán 2 rẫy và đầu tư 6 tỷ đồng vào đồng LUNA với giá 85 USD/đồng. Với giá trị đồng tiền hiện tại 0,000119 USD/đồng, số tiền của anh chỉ còn 8.000 đồng.
![]() |
Sự sụp đổ của LUNA - đồng tiền có giá trị vốn hoá ban đầu lên tới 30 tỷ USD cũng có thể kéo theo chuỗi domino của cả thị trường crypto. Trên các trang mạng xã hội, nhiều người cho rằng các loại tiền khác cũng sẽ lao dốc tương tự. Liên tục các nhà đầu tư “nghiệp dư” kêu ca về việc mất tiền khi đầu tư vào đồng tiền này.
Sau đồng LUNA, Bitcoin (BTC) - loại tiền điện tử lớn nhất thế giới hiện giờ cũng rơi xuống mức 25.500 USD lần đầu tiên kể từ tháng 12/2020. Đồng tiền này đã có lúc đạt đỉnh với trị giá 67.000 USD/đồng. Dự đoán trong thời gian tới, khi các nhà đầu tư bán tháo loại tiền này sẽ khiến đồng tiền tiếp tục trượt giá.
Luna và stablecoin UST - hai token luôn nằm trong nhóm tiền số mạnh nhất thế giới thời gian dài - đã lao dốc khiến nhà đầu tư hoảng loạn. Sự sụp đổ của Luna thậm chí được giới đầu tư coi là một trong những sự kiện Thiên nga đen lớn nhất của thị trường Crypto. Bởi các yếu tố cực kỳ hiếm xảy ra, không thể đoán trước và có tác động nghiêm trọng đến toàn bộ thị trường Crypto. Không ai có thể nghĩ rằng một đồng stablecoin lại giảm xuống dưới 1 USD. Hay một đồng tiền mã hóa thuộc hàng Top và được rất nhiều nhà đầu tư tin tưởng lại có thể sụt giảm từ mức giá hơn 100 USD xuống chỉ còn 0,0001 USD
Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, nhìn chung, toàn bộ thị trường tiền mã hóa đã giảm hơn một nửa kể từ tháng 11/2021, giảm từ 2,9 nghìn tỷ USD xuống 1,2 nghìn tỷ USD.
Một số người cho rằng, sự sụp đổ của tiền ảo có thể dẫn đến sự sụp đổ tài chính giống như cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vào năm 2008.
Tính rủi ro cao của tiền ảo
Tiền ảo, hay còn gọi là tiền kỹ thuật số là loại tiền không được kiểm soát bởi nhà nước mà được kiểm soát và phát hành bởi các nhà phát triển đồng tiền, được chấp nhận và sử dụng bởi một cộng đồng ảo. Bởi vì không được kiểm soát bởi ngân hàng trung ương, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam không công nhận tiền ảo là một phương tiện thanh toán. Như vậy, tiền ảo là loại tiền mà người nắm giữ không thể mua bán hay trao đổi mà chỉ tích trữ dưới dạng đầu tư.
Một trong các lý do điển hình khiến Bitcoin trở nên phổ biến là việc nó có thể được chuyển đi rất nhanh chóng và ẩn danh. Người dùng có thể sử dụng Bitcoin để gửi tiền cho người khác ở bất cứ nơi đâu mà không tốn chi phí dịch vụ - giống như gửi một tập tin máy tính.
Các loại tiền tệ truyền thống được hỗ trợ bởi các khoản nợ có chủ quyền hay còn gọi là tiền pháp định hoặc các tài sản cứng như vàng hay hàng hoá. Trong khi đó, tiền ảo không có sự hỗ trợ hay có giá trị nội tại dựa trên tài sản thực có của quốc gia. Giá trị của tiền ảo lên xuống thất thường dựa vào tâm lý của các nhà giao dịch. Điều này dẫn đến những giao động lớn trong giá trị của đồng tiền.
Bitcoin và tiền điện tử không phải là sân chơi dễ dàng cho các nhà đầu tư thiếu kiến thức về thị trường này. Thường biến động rất mạnh và xảy ra trong thời gian rất ngắn, nhiều nhà đầu tư ham muốn lời nhanh đã bỏ tiền vào ngay khi thấy đồng tiền tăng giá mạnh và đã nhận phải trái đắng. Một khi đồng tiền rớt giá liên tục sẽ dẫn đến các nhà đầu tư bán tống bán tháo tiền. Không có tài sản cứng hỗ trợ, đồng tiền ảo có thể xuống tới đáy, khiến các nhà đầu tư mất sạch.
Vì vậy, đối với các nhà đầu tư tiền ảo, cần phải cẩn trọng và có kiến thức đầy đủ về loại tiền này. Mặc dù vậy, rủi ro vẫn còn rất lớn.