![]() |
Ảnh minh họa |
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - ông Nguyễn Văn Thanh - trong cuộc họp của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về giảm giá cước vận tải bằng xe ôtô đã thốt lên: “Phục vụ người dân đi lại, mình cũng phải biết nhục nếu không giảm giá cước”. Tuy nhiên, trong một môi trường kinh doanh mang tính thị trường như hiện nay, lợi nhuận được đặt lên hàng đầu là điều dễ hiểu. Tại cuộc họp này, đã có doanh nghiệp nêu ý kiến bao biện cho việc khó giảm giá cước theo mức giảm của giá xăng là do phí cầu đường tăng cao và “nhiều chi phí khác” chiếm tới 40% giá cước.
Rõ ràng, minh bạch giá cước, không chỉ quản lý bằng công văn. Trên thực tế, nhiều công văn của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) được ban hành sau mỗi lần giảm giá xăng, nhưng câu chuyện về giảm giá cước vận tải vẫn luẩn quẩn và chậm trễ, gây bức xúc trong dư luận.
Ở khía cạnh khác, 2 năm trở lại đây, giá xăng giảm nhiều hơn tăng, doanh nghiệp vận tải nhiều lần đề xuất cơ quan quản lý nhà nước tính toán đưa ra quy định, công thức tính phù hợp, thuận tiện cho doanh nghiệp trong việc điều chỉnh giá. Thế nhưng, đến thời điểm này, Vụ Vận tải (Bộ GTVT) vẫn chỉ đưa ra ý kiến sẽ “tiếp tục phối hợp rà soát văn bản quy phạm pháp luật, bổ sung để tăng cường quản lý giá cước”. Cục Quản lý giá khẳng định: “Thời gian tới, sẽ xem xét, sửa đổi Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT và tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT có những điều chỉnh để quản lý giá cước hiệu quả hơn”.
Nếu mọi việc thuận lợi, Thông tư liên tịch 152 mới có thể được ban hành trong tháng 3/2016, kỳ vọng sẽ mang lại tính linh hoạt trong quản lý giá cước vận tải.