Theo các doanh nghiệp kinh doanh hàng Tết, năm nay tình hình cung cầu hàng hóa Tết phụ thuộc bởi hai yếu tố, sức mua không tăng quá cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tăng mạnh so với Tết năm ngoái.
Đại diện ngành Công Thương các địa phương ở khu vực miền Nam như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Trà Vinh cho biết, kết thúc mùa kinh doanh Tết Tân Sửu, hàng hóa nhìn chung dồi dào về số lượng, giá bán không tăng cao như các dịp Tết gần đây. Đặc biệt, tại nhiều địa phương đã không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá ở một số mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao như bia, thịt heo, rau xanh, trái cây và không diễn ra tình trạng ế ẩm dẫn đến đổ bỏ đối với mặt hàng hoa, cây cảnh như các năm gần đây.
Đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm nay lượng hoa tươi đưa về thị trường thành phố tăng mạnh, giá hoa không tăng nên hiện tượng dư thừa ngày giáp Tết đã không xảy ra. Sở Công Thương thành phố ước tính, thị trường thành phố tiêu thụ trong dịp Tết Tân Sửu khoảng 135 triệu cành hoa các loại, 250.000 – 300.000 chậu bonsai, 600.000 - 700.000 chậu mai.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, trong dịp vừa qua, hoạt động mua sắm, tiêu dùng diễn ra tương đối ổn định, lượng hàng hóa đưa ra thị trường luôn dồi dào, không xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá cục bộ và sức mua tăng nhờ các doanh nghiệp thực hiện nhiều chương trình khuyến mại giảm giá sâu hàng nghìn mặt hàng. Ước tính tổng giá trị hàng hoá dự trữ phục vụ dịp Tết toàn tỉnh đạt khoảng 755 tỷ đồng, tăng từ 15 - 25% so với Tết năm trước.
Bà Hồ Thị Hồng Đào - Phó Giám đốc Marketing Saigon Co.op - cho hay, thời điểm giáp Tết, nhóm bia, nước ngọt và các loại nước giải khát, dầu ăn, nhóm sữa và các loại thịt gia súc, gia cầm và thịt nguội, hàng đông lạnh ước tính tăng khoảng 20% so với tuần trước. Nhóm bánh kẹo, mứt và hàng thời trang, đồ dùng nhà bếp tăng nhẹ quanh mức 10%. Theo bà Đào, trong dịp Tết vừa qua, lượng khách hàng mua sắm ở siêu thị vẫn giữ được ở mức ổn định nhờ nhờ Saigon Co.op đưa vào kinh doanh nhiều mặt hàng mới với chất lượng cao, giá không tăng và áp dụng khuyến mại lớn hàng nghìn mặt hàng, tích điểm thưởng cho người mua nhiều hàng hóa.
![]() |
Siêu thị Saigon Co.op tại TP. Hồ Chí Minh đông nghịt người mua sắm trong dịp Tết Tân Sửu |
Ông Trương Văn Thôi - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho biết, do siêu thị dự báo sức mua người dân giảm vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên lượng hàng hoá dự trữ trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi chỉ bằng hoặc giảm khoảng 10 - 20% so với năm ngoái, chỉ có trung tâm thương mại Lotte Mart dự trữ tăng 12%. Các mặt hàng Tết bày bán trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ hơn 80% là hàng Việt Nam, còn lại là hàng được nhập từ nước ngoài.
Theo ông Thôi, nhiều người dân đã giảm chi tiêu, chỉ mua đủ dùng trong vài ngày Tết và không tích trữ, do hệ thống thương mại, dịch vụ cung cấp hàng hóa, thức ăn chế biến sẵn được phát triển rộng khắp trên địa bàn với phương thức kinh doanh phục vụ bán hàng liên tục. “Nhìn chung, dịp Tết năm nay, lượng cung hàng hóa lớn, giá cả ổn định, nhưng sức mua trên địa bàn tỉnh giảm khoảng 10 - 20% so với năm ngoái do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19”, ông Thôi chia sẻ.
Tại thị trường tỉnh Đồng Nai, các doanh nghiệp bán lẻ cho biết, hàng hóa kinh doanh Tết được các doanh nghiệp cung ứng dồi dào và áp dụng nhiều chương trình khuyến mại lớn vì thế không khí mua sắm Tết của người tiêu dùng diễn ra trong yên bình và dễ dàng chọn lựa những mặt hàng theo nhu cầu. Do dịch Covid-19 tác động đã làm thay đổi hành vi mua sắm hàng Tết, theo đó người tiêu dùng thường mua sắm những mặt hàng thật sự có nhu cầu, số người có thói quen tích trữ hàng Tết hiện nay đã giảm rõ rệt so với nhiều năm trước, vì thế không xảy ra tình trạng chen lấn trong mua sắm như thường thấy vào cao điểm mua sắm Tết.
Ngày 17/2 (mùng sáu Tết), hầu hết các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại ở miền Nam đã mở cửa kinh doanh. Ghi nhận từ các điểm kinh doanh trên địa bàn một số tỉnh thành cho thấy, sức mua các mặt hàng thiết yếu những ngày sau Tết đã tăng trở lại, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định. Đặc biệt một số mặt hàng như rau xanh, thịt, thủy hải sản giá chỉ tăng bình quân 5-10% so với ngày thường, không xuất hiện tình trạng tăng giá đột biến ở những mặt hàng này như các dịp Tết gần đây.
Tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 16/2 (mùng năm Tết) các chợ truyền thống, cửa hàng kinh doanh thực phẩm đã mở cửa hoạt động và sức mua các mặt hàng lương thực, thực phẩm ổn định, giá nhiều mặt hàng đã giảm nhẹ so với những ngày trước. Tại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn ngày 17/2 (mùng sáu Tết), lượng hàng nhập chợ đã bắt đầu gia tăng, dù sức mua còn yếu so với bình thường. Tại chợ đầu mối Bình Điền hiện đã có khoảng 70% số sạp hoạt động, riêng chợ đầu mối Hóc Môn lượng hàng hóa đưa về chợ chưa đạt 50% so với ngày thường. Theo các tiểu thương ở chợ đầu mối, do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của các thương lái chưa trở lại hoạt động như cũ vì vậy chợ đầu mối sẽ trở lại hoạt động bình thường vào đầu tuần tới, tức ngày 22/2/2021.