Khẳng định vai trò chủ lực

Có thể nói, 2016 là năm tạo dấu ấn quan trọng của ngành Công Thương tỉnh Thanh Hóa khi đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu, kế hoạch cơ bản đặt ra. Lĩnh vực Công Thương đã đóng góp quan trọng, khẳng định vai trò chủ lực với phát triển kinh tế địa phương, qua đó tạo đà giúp Thanh Hóa bứt phá trong những năm tới.
\"\"
Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2017

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa - cho biết: Trong điều kiện khó khăn chung nhưng năm 2016 tăng trưởng GRDP của tỉnh vẫn đạt 9,05%, vượt 0,05% so với kế hoạch đặt ra. Con số vượt tuy không lớn, nhưng là tín hiệu vui bởi các dự án, công trình lớn trên địa bàn đã bắt đầu hoạt động và phát huy hiệu quả.

Riêng ngành Công Thương là một năm thắng lợi lớn khi cả 3 chỉ tiêu là giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và kinh doanh dịch vụ đều tăng và vượt kế hoạch. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,9% (vượt 1,8% kế hoạch); giá trị xuất khẩu tăng 10,9% (vượt 6,1% kế hoạch) và tổng mức lưu chuyển hàng hóa và kinh doanh dịch vụ tăng 16,1% (vượt 3,7% kế hoạch). Đáng mừng hơn, đây là năm đầu tiên cả 3 chỉ số này cùng tăng, do đó lĩnh vực Công Thương đã chiếm tỉ trọng 40,3%, đóng góp 3,9 điểm % trong tăng trưởng 9,05% GRDP của toàn tỉnh.

Năm 2016 là năm ngành Công Thương Thanh Hóa đạt thang điểm cao về quản lý nhà nước, đạt 100% thời gian, chất lượng theo hệ thống theo dõi quản lý công việc của tỉnh (các năm trước chưa đạt được). Ngoài ra, các lĩnh vực khác như quản lý thị trường cũng thu nhiều kết quả, góp phần kiểm soát tốt thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng được đẩy mạnh. Qua kiểm tra, kiểm soát, lực lượng quản lý thị trường đã thu nộp ngân sách 23 tỷ đồng (tăng 4,4 tỷ so với năm 2015).

Ngành Công Thương địa phương cũng đã hoàn thành các quy hoạch lớn như: Quy hoạch công nghiệp thương mại, điện, chợ trung tâm thương mại; quy hoạch cụm công nghiệp. Đặc biệt, đã tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách phát triển công nghiệp, phát triển tiểu thủ công nghiệp thương mại. Thanh Hóa là một trong những tỉnh đầu tiên ban hành chính sách này. Theo đó, Thanh Hóa đã ban hành mức kinh phí cao, hỗ trợ cụ thể, tạo nguồn lực cần thiết cho phát triển tiểu thủ công nghiệp. Ngoài ra, với định hướng phát triển thương mại, hạ tầng chợ, hàng năm sẽ dành nguồn kinh phí tương đương 60 - 70 tỷ đồng/năm. Con số mà không nhiều địa phương có thể cân đối được.

Từ sự phát triển đồng bộ, cùng với môi trường ngày một cải thiện, thời gian qua, công tác kêu gọi đầu tư, đặc biệt lĩnh vực dệt may, da giày được đẩy mạnh và có hiệu quả, giúp tạo việc làm cho lao động nông thôn với số lượng lớn. Ở những lĩnh vực khác cũng thu hút được dự án lớn như: Thủy điện, nhiệt điện, thép…

Năm 2017, ngành Công Thương Thanh Hóa đặt mục tiêu giữ vững, phát huy những kết quả đã đạt được. Cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng đột biến lên 23,7%; xuất khẩu tăng 7,6%, đạt 1,850 tỷ USD để hướng đến mục tiêu năm 2020 giá trị xuất khẩu của Thanh Hóa đạt 2 tỷ USD…

Ông Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa:

Ngành Công Thương Thanh Hóa đặt ra những mục tiêu lớn trong năm 2017 bởi ngoài quyết tâm chính trị, niềm tin và những thắng lợi nền tảng trong những năm qua, chúng tôi xác định các dự án lớn trên địa bàn đã và sẽ đi vào hoạt động ổn định như: Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thủy điện Trung Sơn, Xi măng Long Sơn, Xi măng Công Thanh…

Nguyễn Quang
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận