Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII

Ngày 12/12, tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) lần thứ VII chính thức khai mạc với chủ đề “Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”.

Đến tham dự Đại hội Hội Nông dân Việt Nam có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vương và các đại biểu đại diện cho các ban ngành, cơ quan T.Ư và địa phương.

\"khai

Phát biểu khai mạc Đại hội, ông Lều Vũ Điều - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NDVN - cho biết: Trên cơ sở tổng kết thực tiễn quá trình hoạt động, tại Đại hội lần này, với tinh thần tự phê bình nghiêm túc, nêu cao trách nhiệm trước toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân cả nước, các đại biểu sẽ thảo luận, đánh giá đúng mức, khách quan, toàn diện những kết quả đạt được cũng như những yếu kém, khuyết điểm và rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của hội, nhiệm kỳ 2013- 2018.

Trên cơ sở đó, Đại hội quyết định đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ hoạt động cho nhiệm kỳ 2018- 2023. Đại hội lần này sẽ xem xét, sửa đổi, bổ sung một số điều lệ Hội Nông dân Việt Nam để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Trình bày báo cáo chính trị tại Đại hội, ông Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN khẳng định: 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ, Hội NDVN đã phát huy hiệu quả vai trò trung tâm và nòng cốt, giai cấp nông dân đã thực hiện tích cực vai trò chủ thể, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Hội NDVN không ngừng lớn mạnh. Tổ chức có hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp ngày càng đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn...

Bên cạnh kết quả nổi bật đã đạt được, công tác hội và phong trào nông dân còn có những hạn chế, yếu kém cần quan tâm như: Một số nơi công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho nông dân còn hình thức, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, bức xúc của nông dân chưa kịp thời; tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt còn thấp; tham gia xây dựng và phản biện các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn hạn chế.

Để xây dựng Hội NDVN trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của hội và giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại, trong nhiệm kỳ (2018-2023), ông Thào Xuân Sùng cho biết: Hội NDVN phấn đấu đạt được 14 chỉ tiêu gồm: Có 100% cán bộ, hội viên được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Hội NDVN; có 100% cán bộ chuyên trách công tác hội được tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức canh tác nông nghiệp và kỹ năng công tác nông vận; có 100% chi hội xây dựng được quỹ hoạt động của hội và phấn đấu mỗi cơ sở hội ở các địa phương chưa thoát nghèo; hằng năm, có từ 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp....

Để đạt được phương hướng, mục tiêu và các chỉ tiêu đã đề ra, cần thực hiện có hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp sau đây: Xây dựng tổ chức hội và giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh; Vận động hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới văn minh và giảm nghèo bền vững; Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; Tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Tham luận tại Đại hội, bà Đào Thị Lanh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Phước - cho rằng: Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thời gian qua, đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ Hội Nông dân các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của hội trong giai đoạn cách mạng mới, Trung ương Hội NDVN cần hoàn chỉnh thêm các quy định, quy chế, khung chương trình, nội dung, phương pháp, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng phù hợp ở từng cấp, từng cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức thực hiện có kết quả. Đồng thời, cần sớm có chương trình, kế hoạch để đào tạo theo lộ trình để có được đội ngũ cán bộ chuyên gia, chuyên sâu, có khả năng tư vấn, hướng dẫn, tổ chức cho nông dân phương pháp, kỹ năng sản xuất, kinh doanh liên kết theo chuỗi giá trị, đặc biệt là hướng đến nền công nghệ 4.0...

Phát biểu tại Đại hội, ông Kiều Như Bổn - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận có ý kiến: Để thực hiện tri thức hóa nông dân, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ cụ thể, thiết thực để nông dân biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết nhu cầu thị trường để chuyển đổi cách thức làm ăn cho phù hợp.

Có 999 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 10 triệu hội viên, nông dân trên cả nước tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII. Đại hội diễn ra trong 3 ngày từ 11-13/12/2018. Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VI, nhiệm kỳ 2013-2018; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho công tác hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018-2023; thông qua Điều lệ Hội NDVN (sửa đổi); bầu Ban Chấp hành Hội NDVN khóa VII, nhiệm kỳ 2018-2023.
Nguyễn Hạnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận