Theo Báo cáo của Văn phòng Nông thôn mới Trung ương, sau một thời gian triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần thúc đẩy các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) sản xuất những mặt hàng đặc trưng của địa phương. Đến nay đã có 3.126 DN sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm gồm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, nhóm lưu niệm – nội thất – trang trí, nhóm dịch vụ - du lịch nông thôn.
Nhiều sản phẩm từ Chương trình OCOP có chất lượng cao đã được tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, kênh phân phối nước ngoài, qua đó gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy nâng cao thương hiệu vùng miền. Việc này không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng cao thương hiệu, đặc sản địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện đầu ra các sản phẩm nông sản nói chung, đặc sản vùng miền và các sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc. Nguyên nhân do các địa phương chưa xác định được các dòng sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường; công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế; mô hình sản xuất kinh tế hộ còn chiếm tỷ lệ rất cao, mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến còn thiếu cả số lượng và chất lượng; việc chuẩn hóa sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, của thị trường chưa thực sự được coi trọng…
![]() |
Kết nối tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc |
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - bà Lê Việt Nga - nêu rõ: Hội nghị được tổ chức với mong muốn kết nối các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, thực hiện liên kết vùng của các cơ quan quản lý các địa phương tới các hộ nông dân, HTX, DN trong sản xuất kinh doanh; thực hiện tổ chức kết nối cung – cầu, kết nối các nhà sản xuất và các đơn vị phân phối, kinh doanh sản phẩm đặc trung vùng miền, sản phẩm OCOP với các điểm bán, phân phối sản phẩm vùng miền tại các tỉnh phía Bắc. “Thông qua hội nghị, Bộ Công Thương cũng mong muốn quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, phát triển làng nghề, đặc sản vùng miền, sản phẩm có tiềm năng lợi thế của địa phương”, bà Lê Việt Nga nói.
![]() |
DN trưng bày sản phẩm OCOP bên lề hội nghị |
Ông Đinh Lâm Sáng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn – cho hay, trong thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP cũng được tỉnh Bắc Kạn quan tâm. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng triển khai thực hiện hỗ trợ các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP về cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, có ứng dụng truy xuất nguồn gốc. Đến nay, nhìn chung các mẫu mã, bao bì sản phẩm của địa phương đã có sự chuyển biến rõ rệt, đảm bảo đầy đủ thông tin và màu sắc bắt mắt, chú trọng tính tiện dụng của sản phẩm. Bắc Kạn cũng đã hình thành một số điểm trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, quy mô còn chưa lớn, đa phần do các tổ chức kinh tế tự bỏ vốn xây dựng. Việc tìm kiếm thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm OCOP Bắc Kạn nói riêng và sản phẩm OCOP nói chung là yêu cầu bức thiết.
Theo ông Đinh Lâm Sáng, thông qua hội nghị, Bắc Kạn mong muốn được kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước để các sản phẩm của địa phương có thể vào được các kênh phân phối hiện đại, mang đến người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng tốt. Đồng thời kiến nghị Vụ Thị trường trong nước có nhiều hoạt động thúc đẩy giao thương, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho sản phẩm OCOP có đầu ra ổn định tại thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới.
Tại hội nghị, các HTX đã quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất, phát triển làng nghề, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương. Các chuyên gia cũng tư vấn cho các DN, hộ sản xuất về kinh nghiệm xây dựng phát triển thương hiệu cho các đặc sản của địa phương; hướng dẫn xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc.
![]() |
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa DN sản xuất với DN bán lẻ khu vực phía Bắc |
Trong khuôn khổ hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa DN sản xuất với DN bán lẻ khu vực phía Bắc, qua đó phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, từng bước hướng tới thị trường nước ngoài.