Huyện Gia Lâm: 9 tháng năm 2019 thu ngân sách ước đạt ước đạt 1.829 tỷ đồng

Đây là thông tin được ông Nguyễn Ngọc Thuần – Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm - cho biết tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều nay (8/10).

Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2019, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2019 trên địa bàn huyện Gia Lâm, ông Nguyễn Ngọc Thuần – Phó Chủ tịch UBND huyện – cho biết: Kinh tế duy trì mức ổn định, tiếp tục phát triển và tăng cao hơn mức cùng kỳ năm 2018, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng 10,58% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thương mại, dịch vụ tăng 17,18%; công nghiệp, xây dựng tăng 10,43%; nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm 6,32%.

Về thu ngân sách nhà nước, các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm ước đạt 1.829 tỷ đồng, bằng 64% dự toán Thành phố và huyện giao, bằng 110,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 1.464 tỷ đồng, bằng 59,1% dự toán giao, bằng 136,7% so với cùng kỳ năm trước.

huyen gia lam ha noi 9 thang nam 2019 thu ngan sach uoc dat uoc dat 1829 ty dong

Ông Nguyễn Ngọc Thuần – Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm - phát biểu tại Hội nghị giao ban

Công tác xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả nổi bật. Đến nay, 20/20 xã thuộc huyện được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn 19 tiêu chí xã nông thôn mới. Nhiều nhóm tiêu chí nông thôn mới đạt kết quả cao như: 100% trục chính, đường liên thôn được cứng hóa bằng bê tông xi măng, bê tông nhựa; 100% đường ngõ xóm trên 2m có điện chiếu sáng;… thu nhập bình quân đầu người đạt 53,8 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,47%. Năm 2018, Gia Lâm đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới năm 2018. Huyện đang tiếp tục rà soát, đánh giá tiêu chí nông thôn mới nâng cao tại 20 xã, xây dựng và triển khai kế hoạch tới các phòng, ban, đơn vị thuộc huyện và UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện.

Giải ngân vốn đầu tư 9 tháng đầu năm ước đạt 966/1897 tỷ đồng, bằng 50,9% kế hoạch vốn giao. Tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của 37 dự án theo kế hoạch, kết quả 9 tháng đầu năm thực hiện giải phóng mặt bàng 44,2/113,5 ha, bằng 39%, chi trả hơn 295,5 tỷ đồng cho 1.759 hộ dân.

Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, thực hiện kiểm tra công vụ 27 cuộ tại 23 đơn vị trên địa bàn huyện, qua đó, yêu cầu các đơn vị khắc phục các tồn tại, vi phạm, thực hiện chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hàng chính. Chỉ đạo 100% các phòng chuyên môn thuộc huyện và các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO và chuyển đổi hệ thống ISO từ 9001:2008 sang 9001:2015.

Về nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho huyện những tháng cuối năm, ông Nguyễn Ngọc Thuần cho hay, huyện sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, gắn với cải cách hành chính. Tập trung triển khai kế hoạch quản lý khai thác và xây dựng chợ năm 2019. Hoàn thiện thủ tục đầu tư, triển khai mở rộng: Cụm công nghiệp Phú Thị; cụm công nghiệp làng nghề Đình Xuyên; bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp Lệ Chi… Tập trung kiểm soát dịch tả lợn châu Phi. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đô thị, đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng và tài nguyên, môi trường. Theo đó, thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn giao. Triển khai lập kế hoạch sử dụng đất năm 2020. Tập trung giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng… “Gia Lâm phấn đấu đến năm 2020, không còn hộ nghèo trên địa bàn huyện. Chậm nhất đến năm 2025 huyện Gia Lâm sẽ trở thành đơn vị hành chính cấp quận”, ông Thuần cho biết thêm.

Nguyễn Hạnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận