![]() |
Đồng bào Sán Chỉ, xã Húc Động, huyện Bình Liêu thu hoạch rong riềng |
Lực đẩy xây dựng nông thôn mới
Cùng với miến dong, các sản phẩm như: Tinh dầu hồi, mật ong Bình Liêu, trà Lan kim tuyến, dầu sở Bình Liêu… cũng đang nhận được sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ đặc biệt của Ban điều hành OCOP huyện Bình Liêu.
Nếu như OCOP được xem là hướng đi đúng, nét riêng có của quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở tỉnh Quảng Ninh, thì với huyện Bình Liêu, OCOP đã đóng góp không nhỏ trong việc đẩy mạnh XDNTM. Bởi lẽ, Bình Liêu xác định, với một huyện có tới 44% hộ nghèo, để XDNTM thành công, việc phát triển sản xuất nhằm tăng thu nhập cho người dân là hết sức quan trọng.
Từ tư duy này, 3 năm trở lại đây, Bình Liêu đã có 19 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 8 sản phẩm được xếp hạng cấp tỉnh. Với nguồn ngân sách hỗ trợ trực tiếp 4.933,06 triệu đồng, hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức thực hiện phát triển sản phẩm là 277,308 triệu đồng, Bình Liêu đã hỗ trợ 9 dự án phát triển thương hiệu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
Nhờ sự hỗ trợ này, nhiều sản phẩm của Bình Liêu trước đây chỉ tiêu thụ trong huyện, không tem nhãn, bao bì…, nay đã được đóng gói cẩn thận, được tham gia giới thiệu tại các lễ hội, hội chợ như: Hội chợ xuân Hạ Long, Lễ hội hoa anh đào, Hội chợ OCOP Quảng Ninh; và trưng bày, giới thiệu tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt, sản phẩm miến dong Bình Liêu đã trở thành sản phẩm tiêu thụ lớn nhất trong số các sản phẩm đã xây dựng thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh.
9 tháng đầu năm 2016, đã có 9 phiếu đăng ký sản phẩm mới tham gia chương trình OCOP năm 2016 được Ban điều hành OCOP huyện Bình Liêu phê duyệt. Đây đều là sản phẩm đặc trưng gắn với vùng quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung của huyện.
Để không còn xã đặc biệt khó khăn
Kết quả rà soát tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của Bình Liêu là 44%. Với mục tiêu đưa các xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành trình 135…, Ban chỉ đạo XDNTM huyện Bình Liêu đã chỉ đạo xây dựng Đề án huy động lồng ghép các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Bên cạnh việc tăng cường vận động cá nhân, tổ chức kinh tế hoạt động trên địa bàn huyện tham gia vào trình OCOP, Bình Liêu tiếp tục xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất có bước phát triển về số lượng và chất lượng như: vận động người dân tham gia phát triển chăn nuôi gia súc, hình thành các tổ sản xuất chăn nuôi dê, bò, ong…
Đơn cử như xã Húc Động, năm 2016, mô hình chăn nuôi bò laisin theo hướng bán công nghiệp đã có 2 hộ đã tham gia thực hiện với tổng kinh phí hơn 630 triệu đồng; mô hình chăn nuôi dê núi thương phẩm có 4 hộ tham gia với tổng kinh phí là gần 862 triệu đồng. Nguồn vốn NTM để phát triển các mô hình này chỉ chiếm 1/3, còn lại là do người dân tự đóng góp.
Trước đó, theo quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp, Bình Liêu đã quy hoạch sản xuất tập trung cho 13 loại sản phẩm khoai tây, ngô, dong riềng, rau, cây dược liệu, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, ong mật, cây hồi, cây sở, gỗ nguyên liệu, cá đặc sản; quy hoạch tập trung vào các xã trọng điểm nông nghiệp của huyện; tạo sự gắn kết giữa địa phương với vùng lân cận của huyện về sản xuất, tạo ra vùng sản phẩm lớn; gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá.
Bằng việc tập trung cho phát triển sản xuất, Bình Liêu đang kỳ vọng, khi thu nhập của người dân được nâng cao, việc huy động xã hội hóa sẽ thuận lợi hơn rất nhiều; đây cũng sẽ là cơ sở để các công trình, dự án phục vụ XDNTM của Bình Liêu về đích đúng hẹn.
Theo quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp của huyện Bình Liêu, đến năm 2020, Bình Liêu sẽ xây dựng hoàn thiện một số cơ sở phục vụ chế biến nông sản chính như: xưởng chế biến miến dong, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, 2 cơ sở chế biến gỗ xẻ… |