Ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động bán hàng đa cấp lần đầu tiên được Luật hóa vào năm 2004, trong Luật Cạnh tranh 2004. Sau đó các quy định này được ban hành trong Nghị định 116/2005/NĐ-CP hướng dẫn Luật Cạnh tranh.
Tuy nhiên, ông Tuấn nhấn mạnh hoạt động bán hàng của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính hiện nay đang bị ảnh hưởng bởi các doanh nghiệp làm ăn không chân chính.
![]() |
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trao Quyết định và Chứng nhận Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam là hội viên chính thức của VCCI |
Về dấu hiệu nhận biết doanh nghiệp đa cấp bất chính, ông Tuấn cho biết theo quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP (Nghị định 40) của Chính phủ về quản lý hoạt động bán háng đa cấp thì chỉ có những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chuyên nghiệp, bài bản, có năng lực, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn mới có thể được cấp giấy phép và tiếp tục tham gia hoạt động. Các công ty bán hàng đa cấp đã và đang tuân thủ nghiêm túc hành lang pháp lý này trong các hoạt động kinh doanh của mình cũng như trong việc quản lý người tham gia.
“Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải có giấy chứng nhận của Bộ Công Thương và phải có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên. Chúng tôi công khai danh sách 22 doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính nên nếu muốn kiểm tra doanh nghiệp bán hàng đa cấp có phải là doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính hay không thì mọi người hoàn toàn có thể kiểm tra”, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn phương Sơn - Giám đốc đối ngoại Công ty Amway Việt Nam cho biết, bán hàng đa cấp tại Việt Nam có lịch sử 15 năm tương đối non trẻ so với thế giới. Nhưng trong 4 năm qua luôn có sự tăng trưởng liên tục, doanh thu phát triển. Mặc dù có nhiều điều tiếng từ các tổ chức cá nhân lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp để kinh doanh bất chính. Nhưng tổng doanh thu của ngành bán hàng đa cấp vẫn tăng trưởng, giai đoạn 2016- 2017 đạt khoảng 8 nghìn tỷ đồng/năm, năm 2018 đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng, năm 2019 khoảng hơn 12 nghìn tỷ đồng.
Kết quả đó có được được đánh giá là do việc quản lý đúng đắn của Bộ Công Thương cũng như việc ban hành Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ, giúp mang lại những thay đổi mang tính đột phá với nhiều điều kiện và tiêu chí cụ thể rất nghiêm ngặt. Chỉ có những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chuyên nghiệp, bài bản, có năng lực, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí chuẩn mới có thể được cấp giấy phép và tiếp tục hành lang pháp lý này trong các hoạt động kinh doanh của mình để hướng tới phát triển kinh doanh lành mạnh, ổn định.
Ông Nguyễn Phương Sơn cũng mong muốn thời gian tới sẽ có một ngành bán hàng đa cấp phát triển lành mạnh, đóng góp cho phát triển đất nước. Đồng thời được đánh giá công bằng từ người dân, báo chí, cộng đồng đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính và được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền quản lý để phát triển ổn định, bền vững.
Trong khuôn khổ của Tọa đàm, Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam đã trở thành hội viên chính thức của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với mong muốn tiếp tục kinh doanh bền vững và cùng cộng đồng doanh nghiệp đóng góp hơn nữa vào công cuộc phát triển xã hội kinh tế của Việt Nam.