Hợp tác, kết nối tiêu thụ hoa Đà Lạt tại thị trường Hà Nội

Nhu cầu tiêu thụ hoa của Hà Nội rất lớn, trong đó, hoa Đà Lạt được người dân Thủ đô đặc biệt yêu thích. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn hoa Đà Lạt ổn định cung ứng cho thị trường Thủ đô, cần phải có sự hợp tác gắn kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp hoa Đà Lạt với hệ thống kinh doanh hoa trên địa bàn Hà Nội.
\"hop
Bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Hà Nội sẽ tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm hoa Đà Lạt ngày càng tỏa hương sắc trên đất Thủ đô

Đó là khẳng định của bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội tại hội nghị “Kết nối tiêu thụ hoa Đà Lạt tại Hà Nội” ngày 1/11/2018.

Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, Hà Nội có khoảng 2.700 ha với 50 vùng sản xuất tập trung trồng hoa, cây cảnh. Những năm gần đây, chủng loại sản xuất hoa đã thay đổi đáng kể, diện tích hoa chất lượng cao tăng. Đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, trong đó có vùng trồng hoa, cây cảnh ở Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín, Đông Anh, Thạch Thất. Các sản phẩm hoa chủ yếu Hà Nội sản xuất gồm: ly, hồng, cúc, đồng tiền, huệ, lan hồ điệp… với sản lượng hơn 1 tỷ cành hoa các loại/năm. Tuy vậy, sản xuất hoa của Hà Nội mới đáp ứng được từ 20 đến 30% nhu cầu, còn lại từ 70 đến 80% vẫn phải nhập từ các tỉnh thành phố và nước ngoài.

Hà Nôi có nhiều chợ đầu mối tiêu thụ hoa như: chợ hoa Quảng An quận Tây Hồ, chợ hoa Mệ Linh huyện Mê Linh, các chợ hoa chậu, cây cảnh ở Hà Đông, chợ Bưởi… Các chợ hoa Hà Nội không chỉ cung ứng cho thị trường Thủ đô mà còn là đầu mối phát luồng hoa đi các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Hoàng- Phó Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Hồng Hoàng- cho biết, thành phố Đà Lạt, với điều kiện khí hậu đất đai thuận lợi cho việt phát triển các loại hoa, đặc biệt là các loại hoa cao cấp có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới, diện tích trộng hoa tại Lâm Đồng hiện là hơn 8.300 ha với sản lượng gần 3 tỷ cành hoa/năm. Thành phố Đà Lạt là địa phương sản xuát hoa chủ lực, chiếm 64,7% diện tích và gần 70% sản lượng hoa. Trong đó có hơn 3,5ha diện tích trồng hoa công nghệ cao áp dụng kỹ thuật cao như: nhà kính nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm, màng phủ nông nghiệp…

Ngành sản xuất hoa của Lâm Đồng luôn giữ mức tăng trưởng bình quân 10%/năm về diện tích và 15%/năm về sản lượng. các giống hoa được sản xuất chủ yếu là: hoa cúc, hoa hồng, hoa layon, hoa đồng tiền, hoa cẩm chướng, hoa lily… thị trường tiêu thụ hoa của Lâm Đồng chủ yếu là nội địa. Sản lượng hoa xuất khẩu chiếm 10,7%, chủ yếu xuất sang các thị trường: Nhật Bản, Úc, Đài Loan, Trung Quốc, và một số ít sang Hàn Quốc, Bỉ, Thái Lan, Hà Lan, Philippin, Nga… Kim ngạch xuất khẩu hoa năm 2016 của tỉnh Lâm Đồng đạt hơn 42 triệu USD, sản lượng xuất khẩu đạt 268,36 triệu cành.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, Hiệp hội hoa Đà Lạt được thành lập năm 2006, có 95 hội viên gồm 72 doanh nghiệp, 5 làng hoa, 4 trang trại, 3 tổ chức, và 11 cá nhân. Sản phẩm hoa của hội viên Hiệp hội hoa Đà Lạt gồm các loại hoa cắt cành như hoa hồng, hoa địa lan, hoa lily, hoa cúc, cẩm chướng, đồng tiền,… các loại hoa xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản gồm các loại hoa cúc trắng Ping pong, cúc trắng kim cương, hoa cúc chùm…

Theo bà Trần Thị Phương Lan, thành phố Hà Nội sẽ tạo điều kiện, kết nối các doanh nghiệp hoa Đà Lạt với các đối tác kinh doanh trên địa bàn Hà Nội để sản phẩm hoa Đà Lạt ngày càng tỏa hương sắc trên đất Thủ đô. Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị các hội viên của Hiệp hội hoa Đà Lạt ký hợp đồng cung ứng- tiêu thụ ổn định giữa các nhà cung cấp của Lâm Đồng và các nhà phân phối, thương nhân Hà Nội để đảm bảo nguồn hàng ổn định, cạnh tranh với các sản phẩm hoa ngoại nhập.

Lê Kim Liên
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận