Hơn 50.000 xe kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát: Các chủ xe nói gì?

Cho rằng quy định “bắt buộc xe kinh doanh vận tải phải lắp camera giám sát” còn quá nhiều bất cập nên không ít chủ xe khẳng định: Sẽ không lắp camera cho đến khi những khúc mắc được Tổng cục Đường bộ Việt Nam giải đáp thấu đáo.

Thống kê mới nhất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, đến nay, có khoảng trên 150.000 xe/207.000 xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo đã lắp camera giám sát theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP (chiếm khoảng 72%).

Số phương tiện còn lại (khoảng hơn 50.000 xe) chưa lắp camera hành trình được cho là có thể đã ngừng hoặc chưa hoạt động kinh doanh vận tải trở lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, đa số các xe vận tải kinh doanh đã bắt đầu hoạt động trở lại. Vậy nhưng, rất nhiều chủ xe nhất quyết từ chối lắp camera giám sát theo quy định của Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP, từ 1/1/2022, xe kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát sẽ bị từ chối đăng kiểm và xử phạt lên tới 12 triệu đồng
Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP, từ ngày 1/1/2022, xe kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát sẽ bị từ chối đăng kiểm và xử phạt lên tới 12 triệu đồng

Giải thích cho sự trì hoãn này, ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Công ty HT Việt Nam - đơn vị đang sở hữu hơn 10 xe từ 29-45 chỗ đưa đón khách du lịch - bức xúc: Công ty HT Việt Nam đã chủ động lắp đặt camera hành trình trước xe để theo dõi hành trình di chuyển của xe từ rất lâu vì nó cần thiết. Riêng với camera giám sát lắp trong xe theo yêu cầu của Nghị định 10/2020/NĐ-CP thì ông Tuấn Anh chưa cho lắp vì thấy không mang lại tác dụng gì mà lại kéo theo rất nhiều hệ luỵ không đáng có.

Ông Tuấn Anh nêu ví dụ: Lắp camera giám sát lắp trong xe đồng nghĩa với việc nhà xe sẽ phải đấu nối đường điện để camera có thể hoạt động. Trong khi việc can thiệp vào thiết bị điện của xe ô tô không chỉ trái với quy định về đăng kiểm và Luật Giao thông đường bộ, mà còn dẫn tới nguy cơ gây mất an toàn. Thực tế đã có không ít trường hợp, camera hoạt động một thời gian, xe ô tô xuất hiện hiện tượng ắc quy bị hỏng.

Lo lắng về việc chập cháy, ông Tuấn Anh đã từng đặt câu hỏi và được đơn vị lắp ráp camera cho biết “sẽ không chịu trách nhiệm nếu xảy ra chập cháy do đấu nối thêm camera giám sát”. Về phía các công ty bảo hiểm xe ô tô, các đơn vị này cũng khẳng định sẽ từ chối bảo hiểm cho sự cố chập cháy do lắp camera, bởi quá trình lắp đặt, nhà xe đã tự ý can thiệp vào hệ thống điện của xe.

“Xe của công ty chúng tôi phục vụ rất nhiều khách du lịch nước ngoài. Trong suốt quá trình di chuyển trên ô tô, luôn luôn bị camera soi chiếu sẽ khiến khách không thoải mái, cho rằng mình bị xâm phạm tự do cá nhân và lo lắng về việc hình ảnh có thể bị rò rỉ” - bà Trần Thị Như Nguyệt - Giám đốc Công ty CP TM và DL Hồng Hải - đơn vị đang sở hữu gần 20 xe phục vụ khách du lịch lo ngại.

Cũng theo bà Trần Thị Như Nguyệt, với chất lượng camera đang bị thả nổi (chủ yếu là hàng Trung Quốc sản xuất, thiếu các chứng nhận về quy chuẩn chất lượng), giá cả có lúc lên tới 10 triệu đồng/cái, có thời điểm chỉ còn khoảng 2,5 triệu đồng/cái… nên các chủ xe rất hoang mang. Với tốc độ phát triển của công nghệ như hiện nay, camera giám sát kiểu này hoàn toàn có thể “chết yểu” bất cứ lức nào. Khi đó, khoản tiền mất đi của các đơn vị có hàng trăm, hàng nghìn đầu xe… sẽ là không nhỏ.

Chỉ ra thực tế rất nhiều xe có lắp camera nhưng “để cho có” mà không hề hoạt động, ông Nguyễn Tuấn Anh gay gắt: Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, đã xây dựng và đưa vào sử dụng thử nghiệm hệ thống xử lý dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải. Vậy nhưng thực tế, đến nay, chính các đơn vị lắp đặt cho biết, hình ảnh chỉ lưu giữ lâu nhất trong 72h và mới chỉ có các đơn vị lắp đặt này xem được. Đây cũng chính là một trong những lý do nhiều lái xe phản ứng, và nhất định không nộp phạt nếu cảnh sát giao thông không đưa ra được hình ảnh cho thấy “có sự kết nối giữa camera giám sát trong xe với các cơ quan quản lý vận tải, lực lượng thanh tra giao thông”…

Nhiều chủ xe khẳng định, sẽ chỉ lắp camera giám sát trong xe khi hệ thống xử lý dữ liệu hình ảnh được vận hành thông suốt
Nhiều chủ xe khẳng định, sẽ chỉ lắp camera giám sát trong xe khi hệ thống xử lý dữ liệu hình ảnh được vận hành thông suốt

Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP, từ 1/1/2022, xe kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát trong xe sẽ bị từ chối đăng kiểm và bị xử phạt lên tới 12 triệu đồng khi tham gia lưu thông. Tuy nhiên đã 4 tháng kể từ khi Nghị định 10/2020/NĐ-CP có hiệu lực, có rất nhiều chủ xe như ông Nguyễn Tuấn Anh, bà Trần Thị Như Nguyệt vẫn chưa có ý định sẽ lắp camera giám sát trong xe vì những câu hỏi chủ xe đặt ra với Tổng cục Đường bộ Việt Nam vẫn chưa được đơn vị này giải đáp thấu đáo.

Con số của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng cho thấy, Hà Nội còn gần 22.000 xe (trong tổng số 34.200 xe) chưa lắp camera theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, trong đó đa phần là xe hợp đồng (hơn 18.000 xe).

Trước thông tin “hơn 50.000 xe “trốn” lắp camera giám sát theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP” mà báo chí mới nêu, rất nhiều chủ xe cho rằng, họ nắm được quy định và họ không trốn mà đang chờ đợi và tìm kiếm sự công bằng. Cụ thể như, nếu đã bắt buộc lắp camera thì tất cả các xe tham gia lưu thông đều phải lắp chứ không riêng gì đơn vị kinh doanh vận tải. Cùng với đó, Tổng cục Đường bộ phải cho thấy hệ thống đường truyền dữ liệu từ camera về các đơn vị quản lý giao thông đã sẵn sàng và các đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm nếu hình ảnh của khách hàng bị rò rỉ để phục vụ những mục đích sai trái.

“Nếu lắp đặt camera giám sát trong xe là yêu cầu bắt buộc thì thay vì để nhà xe tự ý can thiệp, đấu nối vào đường điện của xe; cần có quy định yêu cầu nhà sản xuất xe ô tô phải trang bị sẵn camera giám sát trước khi cung cấp sản phẩm ra thị trường. Hiện nay, ngay cả với những chiếc xe sản xuất năm 2022, muốn lắp camera giám sát trong xe, nhà xe vẫn phải thực hiện các thao tác đấu nối thủ công, vừa mất thẩm mỹ vừa không đảm bảo an toàn” - ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay.

Thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đơn vị này đã xây dựng và đưa vào sử dụng thử nghiệm hệ thống xử lý dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải để tiếp nhận dữ liệu kể từ ngày 1/1/2022. Dự kiến, trong tháng 4/2022, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ thực hiện hướng dẫn khai thác, sử dụng phần mềm cho cán bộ quản lý vận tải, lực lượng thanh tra giao thông tại Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố. Khi Bộ Giao thông Vận tải đồng ý sẽ triển khai vận hành chính thức từ ngày 1/5 để phục vụ quản lý và xử phạt vi phạm. Với các xe đã lắp camera, việc quản lý, xử phạt thông qua hệ thống dữ liệu hình ảnh sẽ được thực hiện quyết liệt từ 1/5 tới.
Hoàng Mai
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận