![]() |
Tại hội thảo nhiều ý kiến các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đã tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm tìm kiếm thị trường mới cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp nước ta còn 4 chưa: chưa biết, chưa quan tâm, chưa tìm hiểu và chưa tin những cơ hội do các FTA mang lại.
TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, trong khi thế giới liên tục phát triển, thì nền kinh tế Việt Nam dù đi theo đúng quỹ đạo nhưng vẫn phát triển ở mức dưới tiềm năng. Ông Doanh chỉ ra rằng việc Việt Nam tích cực tham gia đàm phán FTA là một dấu son cho thấy sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ và nhà nước ta trong thúc đẩy hội nhập. Và việc tham gia FTA tạo ra thế địa chính trị mới, tạo thị trường mới cho doanh nghiệp Việt Nam và lớn hơn là giảm áp lực phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Ông Doanh nhấn mạnh, tốc độ tham gia đàm phán FTA của Chính phủ nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế và bỏ xa khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy để đứng vững và duy trì được sự ổn định và tăng trưởng, doanh nghiệp Việt Nam cần phải thực hiện 3 cặp phương thức để nâng năng suất, đó là tăng giá trị nội tại của sản phẩm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - đổi mới quy trình sản xuất, có chiến lược phát triển phù hợp - mở rộng hợp tác.
Nếu doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục có thái độ thờ ơ, chưa biết, chưa quan tâm, chưa tìm hiểu và chưa tin những cơ hội do các FTA mang lại, hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy làm thì sự thất bại ngay trên sân nhà là điều có thể được báo trước… |
Bà Dương Phương Thảo- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)- dự báo tình hình xuất khẩu trong năm 2015 sẽ có nhiều biến động mạnh, trong đó xu hướng bảo hộ của các nước nhập khẩu gia tăng, cụ thể là các rào cản thương mại và kỹ thuật, các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng nông, lâm, thủy sản diễn biến ngày càng phức tạp, nguồn cung của các nước xuất khẩu khác dồi dào.
Tham gia FTA, trước mắt doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với những yêu cầu, tiêu chuẩn cao về chất lượng hàng hóa, chịu sức ép phải tuân thủ các điều khoản quy định về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ. Những tiêu chuẩn này đối với doanh nghiệp Việt Nam còn ngặt nghèo hơn bởi đa phần các doanh nghiệp Việt Nam đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu công nghệ, vốn và kinh nghiệm sản xuất. Thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam có thế nhìn thấy đó là các đối tác FTA mới có cơ cấu hàng hóa thương mại bổ sung với Việt Nam, không chỉ thúc đẩy xuất khẩu mà còn cải thiện cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam.