Hoàng Sa 80 năm trước qua ký ức người lính

Chiều cuối năm se lạnh. Bên những tấm ảnh nhuốm màu thời gian, trong căn nhà cũ trên phố cổ Hà thành, chậm dãi và mạch lạc, đại tá quân đội Trần Quân Bảo đưa người viết quay về với những ký ức của gần 80 năm trước, khi ông cùng gia đình sinh sống, làm việc trên đảo Hoàng Sa- nơi luôn là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.
\"\"
Ông Trần Quân Bảo bên những tư liệu về Hoàng Sa năm 1938- 1940

Những con Víc tuổi thơ và triết lý mãi sau này mới hiểu

“Ba anh chị em chúng tôi cùng cha, mẹ ra đảo Hoàng Sa sinh sống từ cuối năm 1938 đến giữa 1940” - Đại tá Trần Quân Bảo (sinh năm 1934, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) - mở những trang ký ức Hoàng Sa của đời mình. Năm 1938, bố ông là cụ Trần Văn Phước được chính quyền bảo hộ Pháp điều động tới đảo Paracels (quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam) để quản lý đài vô tuyến điện. Trước khi ra đảo, cụ Phước làm việc tại Sở Vô tuyến điện Đông Dương, nhưng vì không chịu được sự phỉ báng của ông chủ người Pháp, cụ Phước đã tát vào mặt gã này để rồi phải nhận việc mới ở nơi biển đảo xa xôi.

“Ngày ra đi cũng là cận tết, vì thương các con còn nhỏ, sợ không về ăn tết với vợ con nên cha tôi dứt khoát yêu cầu cho gia đình đi theo” – ông Bảo tiếp lời – cả gia đình tàu hỏa từ Hà Nội vào Đà Nẵng, rồi lại tiếp tục chờ ở Đà Nẵng nhiều ngày để đón tàu thủy đi ra đảo.

\"Tàu thủy chở hàng, không phải tàu khách nên khoang ngủ bé tí tẹo, chỉ có một ô cửa kính nhỏ hình tròn nhìn ra biển từ khoang ngủ ấy” – ông Bảo kể, hơn một ngày đêm trên tàu thì tới đảo Hoàng Sa.

Cập cầu tàu. Nhiều người xa lạ ùa ra đón với tình cảm thân thiết như người thân lâu ngày gặp lại, sau này ông Bảo mới biết, họ là những phu phen người Việt Nam làm việc trên đảo Hoàng Sa. Hai cây cột ăng – ten cao vút, hai khu nhà lớn (trạm khí tượng thủy văn và trạm vô tuyến điện) và lô nhô những căn nhà thấp đổ mái bằng. Thưa thớt cây cối và nhiều sóng, gió, cát bụi là những cảm nhận đầu tiên khi lên đảo vẫn còn in trong trí nhớ người lính già. Sau đó là chuỗi gần 600 ngày sống cùng đồng bào trên đảo Hoàng Sa.

Trên đảo khi ấy có chừng sáu, bảy chục người – một lính Pháp chỉ huy đồn, vài chục lính bảo an, gia đình ông Bảo và những người phu phen. “Hằng ngày, cha tôi đi trực ở trạm vô tuyến điện. Mẹ ở nhà nội trợ và trông nom ba anh chị em tôi” - ông Bảo kể về cuộc sống thường ngày trên đảo. “Ăn uống theo khẩu phần thực phẩm được phân phát từ kho dự trữ trên đảo. Một tuần chỉ có một ngày có rau xanh. Người lớn khuân vác, đào bới, xây lắp… trẻ con tha thẩn trong khu nhà và bãi biển”.

Đồ chơi chỉ là những cây lá, những sâu vỏ sò, vỏ ốc, nhưng thích nhất, ấn tượng nhất là những chú víc con, ông nhớ lại: “Chúng chui lên từ ổ trên bãi cát. Đám trẻ đuổi bắt nhưng không thể. Vừa nỗ lực tách vỏ trứng chui ra, chúng đã thoăn thoắt xải chân hướng ra biển. Không bắt được, tôi về hỏi mẹ: sao nhà chúng trên bờ cát mà chúng lại chạy ào ra biển? Chúng có còn quay về nữa hay không?. Có, chúng sẽ quay về nơi này vì đây là nhà của chúng\" - mẹ tôi giải thích.

\"\"
Quang cảnh đảo Hoàng Sa năm 1938 (ảnh do ông Trần Quân Bảo cung cấp)

Không hiểu ý tứ sâu xa của câu nói ấy, ông Bảo nhanh chóng bỏ qua để lại hòa mình vào những sinh hoạt thường ngày như bao người khác trên đảo. Nhưng “mãi sau này tôi mới hiểu, cũng như gia đình tôi, như bao người Việt Nam trước và cả sau này đã, sẽ sống, làm việc và giữ gìn chủ quyền biển đảo, giữ gìn Hoàng Sa” - người lính già triết lý.

Đúng, như tuổi thơ ông, như những chú víc con ở Hoàng Sa, những người Việt Nam từng sống, làm việc nơi đây sẽ mãi giữ ký ức về nơi này để rồi sẽ quay về như về với ngôi nhà của chính mình.

Sau khi từ Hoàng Sa trở về, cụ Trần Văn Phước lại bị thực dân Pháp điều lên Điện Biên Phủ làm việc. Năm 1946, cụ Phước đã được giác ngộ cách mạng, cụ làm việc ở Cục Thông tin liên lạc (Bộ Quốc phòng) rồi chuyển sang Tổng cục Bưu điện cho đến khi về hưu năm 1967.

Tình người và câu chuyện chủ quyền biển, đảo

Trong câu chuyện của mình, rất nhiều lần, ông Bảo nhắc tới những con người, những công trình kiến trúc được xem là khá quy mô, đồ sộ trên đảo ngày ấy. Ông bảo: “Bây giờ xây dựng được những căn nhà kiên cố trên đảo cũng không đơn giản, vậy mà gần 80 năm trước và chắc chắn là lâu hơn thế, người Việt Nam đã chắc chân trên đảo Hoàng Sa”.

Ông khẳng định, bây giờ chúng ta, với rất nhiều cứ liệu, tài liệu lịch sử đầy thuyết phục đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam với đảo Hoàng Sa, nhưng thực ra, từ gần 80 năm trước và lâu hơn nữa, người Việt Nam đã hiện diện, đã mưu sinh trên quần đảo này thì việc Hoàng Sa của Việt Nam là không cần bàn cãi .

Trở lại năm 1938, 1940 ấy, với ông Bảo, dù có xa xôi cách trở, dù quang cảnh, cuộc sống trên đảo hoàn toàn không giống với Hà Nội, nhưng những món đồ chơi cầu kỳ làm từ vỏ sò, vỏ ốc, những con giống tết từ cây lá mà những người phu phen đem tặng cho mấy anh, chị em, ông đã hiểu rằng: “người Việt trên đảo sống rất quây quần, thương yêu nhau. Họ quý gia đình tôi, yêu đám trẻ chúng tôi. Cũng như cha tôi và tôi sau này khi đã về đất liền, khi đi theo Đảng, đi làm Cách mạng, đến nơi đâu cũng nhận được tình người sâu đậm, chân thành và hết mực thương yêu, đùm bọc của đồng bào mình vậy”.

Lần dở ký ức, ông Bảo khẳng định, từ ngày đó, trên đảo Hoàng Sa có một ngôi miếu mà nhiều lao động phu phen vẫn qua lại thắp hương cầu khấn dù bản thân ông chưa đến đó bao giờ. Nhưng “ngôi miếu ấy chắc chắn phải được dựng lên từ rất lâu, chứ không phải đến lúc gia đình tôi đến mới được dựng lên”. Thế thì đó hẳn là dấu ấn người Việt Nam trên đảo.

Câu chuyện trôi theo những kỷ niệm gần 80 năm qua nhưng rồi bỗng dừng lại ở vẻ mặt trầm ngâm của người lính già, ông nói: “Gia đình tôi may mắn là những người lưu giữ một phần những bằng chứng quan trọng để góp phần khẳng định chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa. Và tôi mong muốn, lớp trẻ sau này hãy biết trân trọng, hãy rèn ý chí, nâng cao năng lực để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong đó có Hoàng Sa thân yêu”.

Hoàng Châu
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận