![]() | |
Các lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất phân bón |
Biết thì đã muộn…
Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, tình hình sản xuất – kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng trên địa bàn tỉnh gần đây vẫn diễn ra rất phức tạp. Có thể kể đến một vài vụ tiêu biểu đã được người dân cung cấp thông tin, tố giác để các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý như: Vụ Công ty Tấn Phát (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) vận chuyển 17 tấn phân bón kém chất lượng lên TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) tiêu thụ, bị phát hiện vào đầu năm 2015. Vụ kiểm tra, phát hiện Công ty TNHH Phúc Lộc (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) giả nhãn hiệu, bao bì sản phẩm phân NPK 20-20-15+TE của Công ty Cổ phần phân bón Thiên Phú Nông. Vụ 391 bao phân bón giả (trọng lượng gần 20 tấn) tại doanh nghiệp tư nhân Lâm Hoàng (Lâm Đồng), giả nhãn hiệu phân lân trung lượng của Công ty Cổ phần – xuất nhập khẩu Hưng Tường (TP. Hồ Chí Minh). Vụ sản xuất phân bón trái phép tại huyện Bảo Lâm, thu giữ 413 bao (trọng lượng 20,5 tấn) – được trộn từ bùn than với 1 số loại phân bón uy tín trên thị trường như: Lân Văn Điển, Đạm Phú Mỹ…
Đa phần, số phân bón giả, phân bón kém chất lượng này được tiêu thụ ở các xã vùng sâu, vùng xa – nơi hiểu biết của người nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số - còn hạn chế. Trong khi đó, nhân lực theo dõi, quản lý về phân bón tại các địa bàn này còn mỏng, sự phối hợp của các ngành với chính quyền địa phương chưa hiệu quả.
Thực tế, do có quá nhiều loại phân bón, nhất là phân bón tổng hợp NPK, nên các hộ dân rất khó phân biệt, chủ yếu vẫn nghe theo lời các công ty tiếp thị, giới thiệu sản phẩm. Sau khi bón, nhiều vườn hồ tiêu, cà phê, điều vàng lá, rụng lá, năng suất thấp, chất lượng vườn cây suy giảm… Lúc đó, người nông dân mới tá hỏa, lo lắng nhưng tất cả đã quá muộn.
Hội Nông dân “xắn tay” giúp nông dân
Trước thực trạng này, để giúp các hội viên, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh Lâm Đồng đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng và doanh nghiệp sản xuất phân bón uy tín tổ chức các lớp tập huấn cho bà con nông dân.
Tại các lớp tập huấn này, bà con được hướng dẫn mua các loại phân bón có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có hóa đơn, chứng từ đầy đủ, sản phẩm đã được khảo nghiệm và có uy tín trên thị trường. Khi mua nên lưu ý đến những sản phẩm có nhãn mác, thông tin đầy đủ về hãng sản xuất, công dụng, thành phần, cách sử dụng, hạn sử dụng. Đặc biệt, nên mua phân bón tại các cửa hàng, đại lý uy tín để khi cần thiết có thể truy tìm xuất xứ hàng hóa.
Riêng với những bà con điều kiện còn khó khăn, vẫn phải mua phân theo hình thức trả chậm, Hội Nông dân đã vận động bà con nên ký hợp đồng với cơ sở kinh doanh hoặc thông qua các tổ chức Hội Nông dân để đảm bảo quyền lợi và dịch vụ hỗ trợ tốt nhất; nhất quyết không được mua theo hình thức thỏa thuận bằng miệng, tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Mấy năm gần đây, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cũng chủ động ký tín chấp với các công ty phân bón như: Bình Điền, Sông Lam... cung ứng từ 6.000 đến 8.000 tấn phân bón các loại mỗi năm cho nông dân theo hình thức trả chậm; từng bước giúp người nông dân tiếp cận và sử dụng loại phân bón đảm bảo chất lượng.
Bằng những việc làm này, Hội Nông dân Lâm Đồng không chỉ hạn chế được ngày càng nhiều những trường hợp hội viên gặp rủi ro do mua phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng; mà hơn thế, còn tạo niềm tin, thu hút đông đảo nông dân tham gia vào hội.
Kiến nghị của Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng với Chính phủ: Rà soát chặt chẽ hơn các điều kiện cấp phép sản xuất phân bón; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về sản xuất, kinh doanh phân bón, nhất là kiểm nghiệm sản phẩm. Thông báo kết quả rộng rãi đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người trực tiếp sử dụng phân bón để mọi người cùng biết và nghiêm túc thực hiện. |