Hạnh phúc là được sẻ chia!

Điểm trường thôn Lủ Khấu, xã Tả Phìn, huyện Sapa, tỉnh (Lào Cai) là một trong những nơi mà hành trình đến đó đã cho tôi những cảm xúc không thể nào quên. Đây là điểm trường mà đoàn công tác của Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương đã tới để trao quà từ thiện trong chuỗi hoạt động tình nguyện vì cộng đồng năm 2016.
\"\"
Đoàn thanh niên Bộ Công Thương trao quà cho các học sinh

Hành trình đến ngôi trường này khác hoàn toàn với những con đường tới trường mà một người từng sinh ra và lớn lên ở thành phố như tôi đã trải qua trong suốt những năm đi học. 7 km để đến được điểm trường là những quãng đường gập ghềnh, khúc khuỷu, có những đoạn đường đất nhỏ xíu, chỉ đủ một người qua, những đoạn sình lầy phải bám vào cây bên đường mới có thể đi từng bước; đan xen là những con suối, có đoạn suối phải lần theo từng phiến đá hiểm trở mới có thể lội qua. Do không lường trước con đường khó đi, nên dù đã đi giày thể thao, tôi vẫn bị trơn trượt ngay từ đoạn đầu và phải cuốc bộ chân trần. Chưa kể tôi và một vài người trong đoàn còn bị lạc, nhưng trong cái rủi lại có cái may, chúng tôi gặp được chị Chảo Lở Mẩy – người dân tộc Dao đỏ. Không những chỉ đường giúp, chị còn đi cùng đến tận điểm trường và trở thành hướng dẫn viên bất đắc dĩ.

Chị bảo, Tả Phìn cách không xa trung tâm thị trấn Sa Pa, nhưng bản có đến 90% là người dân tộc, chủ yếu là người Mông và người Dao đỏ, số lượng người thành thạo tiếng Kinh không nhiều. Những năm gần đây, du lịch Sa Pa phát triển, các thôn bản trở thành điểm du lịch sinh thái ưa thích của nhiều du khách mà Tả Phìn cũng không phải là ngoại lệ. Du lịch đã giúp kinh tế của người dân được cải thiện. Tả Phìn có nhiều lợi thế, như lá thuốc tắm truyền thống giúp cơ thể sảng khoái nên dịch vụ này cũng khá phát triển. Ngoài ra, phụ nữ Tả Phìn còn có nghề thêu dệt, từng mảnh vải mặc trên người đều được họ khéo léo tự tay thêu những chi tiết sắc sảo. Đây cũng là một trong những sản phẩm đặc trưng của Tả Phìn được khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài yêu thích. Cứ cuối tuần, phụ nữ trong bản lại đem những mảnh vải, khăn tự thêu xuống thị trấn hoặc ra trung tâm xã bán để có thêm thu nhập.

Du lịch phát triển giúp kinh tế Tả Phìn cũng có nhiều biến chuyển, người Tả Phìn đã trồng nhiều loại cây như: Hoa lan, thuốc tắm, cây dược liệu, rau… đem lại thu nhập cao, góp phần ổn định đời sống, thay đổi diện mạo nông thôn. Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng hỗ trợ người dân trong công tác thâm canh, nhằm nâng cao năng suất cây lúa, cây ngô trong vùng. Những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn lúa chín trên đường chúng tôi đi đã minh chứng cho câu chuyện của chị. Cảnh sắc ấy cứ trải dài trước mắt như một bức tranh cùng với lời kể đầy thủ thỉ của người phụ nữ Dao khiến tôi say sưa quên đi mọi trở ngại trên đường.

Sau gần 2 giờ trèo đèo, lội suối, cuối cùng, ngôi trường đã hiện ra trước mắt. Khó có thể diễn tả được cảm xúc khi nhìn thấy đích đến hiện ra trước mắt sau hành trình vất vả, nhưng cũng nhiều niềm vui.

*

*          *

Niềm vui ấy còn nhân lên gấp bội khi thấy ánh mắt, nụ cười hân hoan của các em học sinh trước những tấm bánh, gói kẹo, chiếc áo, đôi dép… được các thành viên trong Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương trao tặng. Giây phút ấy, mọi mệt nhọc dường như tan biến.

\"\"

Điểm trường Lủ Khấu, thuộc trường Trung học Tả phìn

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Thêu - Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, Trường Tiểu học Tả Phìn có 7 điểm trường nằm rải rác trên địa bàn xã với tổng số 462 học sinh và 46 giáo viên. Do đặc thù của xã, các gia đình sống rải rác, cách xa nhau, địa hình khó khăn nên phải chia thành nhiều điểm trường để phục vụ đi lại, tạo điều kiện tốt nhất cho các em có thể đến trường. Chia sẻ về đoạn đường chúng tôi vừa đi, chị Thêu bảo, điểm trường thôn Lủ Khấu chưa phải là điểm xa và khó đi nhất. Các giáo viên thường phải chia nhau sắp xếp sao cho hợp lý để đến được với cả 7 điểm trường. Học sinh phần lớn là nhà xa, cách trường từ 4 - 5km, cứ sáng đi, chiều về. Các em phải đi từ 5 – 6 giờ sáng thì mới kịp 7 giờ vào lớp. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa các em đi học mà thầy cô đều lo, phụ huynh cũng phải bỏ nương để dẫn các em tới trường, em nào gia đình không dẫn được thì cô giáo đến tận nhà đón đưa đến trường.

Chị Thêu chia sẻ thêm, kinh tế xã đã phát triển hơn trước, nhưng nhiều gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo. May mắn là họ hiểu cái chữ rất quan trọng nên con em nơi đây phần lớn đều được tới trường đầy đủ. Các thầy cô giáo cũng vì thế mà cố gắng hỗ trợ hết mình cho các em, vừa dạy học, vừa lo bữa ăn cho các em sao cho tốt nhất có thể. Hiểu được những nỗi khó khăn đó, chuyến đi này, Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương cũng tặng nhiều thùng mì, sữa, dầu ăn, mắm muối… để hỗ trợ giáo viên và học sinh của trường trong thời gian tới.

Nhìn cái cách các em ngắm nghía những món quà mà các thành viên trong đoàn không khỏi nghẹn ngào… Nghẹn ngào khi biết được con đường mình vừa trải qua chỉ là điều quá bé nhỏ trên hành trình gian nan đi tìm cái chữ của các em. Nghẹn ngào khi biết mình đã mang đến niềm vui, sẻ chia phần nào khó khăn cho cả cô và trò điểm trường Lủ Khấu. Và đường về của chúng tôi trở nên rất gần...

Tôi cũng chợt nhận ra, hành trình mà tôi vừa đi qua là hành trình hạnh phúc, vì được trải nghiệm, được nhìn thấy những điều mới của Tả Phìn hôm nay. Thật đúng với câu nói: “Hạnh phúc không phải là điểm đến mà là hành trình chúng ta đã đi, những điều ta đã trải nghiệm”, qua đó để biết yêu quý và trân trọng cuộc sống.

Hà Thu
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận