Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam: Thua thiệt vì mẫu mã

Theo ông Đỗ Văn Khôi- Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft)- so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia…, hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) Việt Nam kém cạnh tranh về thiết kế.
\"\"

Ước tính, 90% sản phẩm của Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài cung cấp và sử dụng nhãn mác của khách hàng để xuất khẩu.

Thực tế, các DN sản xuất hàng TCMN chưa chú ý tới thiết kế không phải do chưa nhận thức được tầm quan trọng của mà do khó khăn trong việc tìm nhân lực, vốn; quyền sở hữu không được bảo vệ.

Ông Vũ Cẩm Tú- Giám đốc Công ty An Đô (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) - cho biết: Không phải DN nào cũng đủ khả năng trả lương cho một nhóm thiết kế chuyên nghiệp để tạo ra sản phẩm mới. Do đó, công ty đã phải liên kết, hợp tác với các trung tâm hoặc nhà thiết kế làm theo kiểu thời vụ. Cùng quan điểm, theo ông Thái Đại Phong- Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong Nghệ An)- mức đầu tư cho thiết kế rất lớn, bởi ngoài vấn đề trả lương còn phải chi phí cho người thiết kế tham gia hội chợ quốc tế để tìm hiểu về xu hướng, thị hiếu khách hàng. Đáng lo ngại hơn, đầu tư cho thiết kế mẫu mã khó khăn như vậy nhưng chỉ vài ngày sau khi ra thị trường, sản phẩm của DN đã bị làm nhái và bán với giá rẻ mạt.

Thực tế, chưa có nhiều giải pháp bảo hộ quyền sáng tác mẫu mã sản phẩm cho hàng TCMN. Nguyên nhân do DN không chỉ sản xuất tại nhà máy mà còn đưa vào sản xuất tại các làng nghề, cơ sở tư nhân nên rất khó giữ bí mật về sản phẩm. Bên cạnh đó, bản thân các DN cũng thờ ơ với việc bảo hộ quyền sáng tác do sản phẩm TCMN tuổi thọ ngắn, trong khi đó, thủ tục đăng ký bản quyền lại mất quá nhiều thời gian, chi phí. Về vốn, việc vay vốn của DN cũng rất khó khăn. Hầu hết DN TCMN là DN nhỏ và vừa, DN làng nghề, nên khi có yêu cầu phải có tài sản thế chấp từ phía ngân hàng thì họ khó lòng đáp ứng.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giá thành, chất lượng sản phẩm không còn là yếu tố hàng đầu trên thị trường TCMN. Sự khác biệt về mẫu mã, chất lượng sản phẩm mới chính là yếu tố quyết định sức cạnh tranh. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân DN trong việc phát triển thiết kế mẫu mã thì rất cần sự bảo vệ về quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ về vốn, xúc tiến thương mại… của nhà nước.

Cả nước hiện có trên 1.600 DN vừa và nhỏ sản xuất, kinh doanh mặt hàng TCMN, đóng góp khoảng 1,5 tỷ USD/năm vào kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Việt Nga
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận