Hải Phòng: Gỡ khó trong công tác quản lý cụm công nghiệp

Khu vực cụm, điểm công nghiệp đang đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng. Tuy nhiên, công tác quản lý môi trường, tranh chấp lao động và thiếu tập trung trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại khu vực này đang là vấn đề khó giải quyết.
\"hai
Rất ít cụm công nghiệp đáp ứng được điều kiện phải có ranh giới địa lý xác định, nằm cách biệt với khu dân cư

Theo đại diện Sở Công Thương Hải Phòng, nguyên nhân của tình trạng trên là do trong một thời gian dài, các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn thành phố hình thành mang tính tự phát. Điều kiện phải có ranh giới địa lý xác định, nằm cách biệt với khu dân cư, rất ít CCN đáp ứng được. Thậm chí một số CCN được hình thành trên cơ sở gom lại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp xen lẫn với khu dân cư, dẫn đến bài toán ô nhiễm môi trường rất khó giải quyết.

Mặt khác, việc có nhiều đầu mối quản lý, không có cơ quan chủ quản cụ thể dẫn đến tình trạng chồng chéo, không hiệu quả trong quản lý CCN. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản làm nảy sinh những vấn đề phức tạp trong quá trình hoạt động, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý đất đai, ô nhiễm môi trường, tranh chấp lao động… tại một số CCN trên địa bàn thành phố thời gian qua.

Trước những bất cập trên, đại diện Sở Công Thương Hải Phòng cho rằng, cần thống nhất cơ chế về hình thức vận hành và bộ máy quản lý nhằm khắc phục những hoạt động tự phát. Cùng đó, cần có những quy định cụ thể nhằm quản lý việc sử dụng đất đai, xây dựng các CCN một cách hiệu quả, tránh tình trạng dàn trải. Những quy định về đăng ký, xây dựng, môi trường, an toàn lao động cũng cần phải xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành, giám sát và xử lý vi phạm.

Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN (Nghị định 68) được ban hành là cơ sở pháp lý mới nhất, đã quy định về cơ chế ưu đãi, xác định tiêu chí, quy hoạch thành lập CCN. Nghị định cũng có nhiều quy định mới về di dời, mở rộng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ gia đình; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, phát triển nghề, làng nghề tại địa phương; phân cấp rất rõ thẩm quyền, tránh được tình trạng chồng chéo về quản lý, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN. Nghị định 68 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những “nút thắt” tồn tại đã lâu trong công tác quản lý và mở ra nhiều thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển CCN.

Tuy nhiên, việc áp dụng Nghị định 68 phải phù hợp với thực tiễn của địa phương. Cụ thể, Hải Phòng cần rà soát lại toàn diện bản đồ công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thành phố; đề xuất cơ chế quy tụ những cơ sở, ngành nghề sản xuất đã phát triển tốt về CCN.

Sở Công Thương Hải Phòng lập và hoàn thiện Quy hoạch phát triển các CCN thành phố đến năm 2020, định hướng đến 2025. Sau khi được phê duyệt, văn bản này sẽ là căn cứ pháp lý để thành phố điều chỉnh cơ chế và xây dựng mô hình phát triển CCN phù hợp với thực tế.

Hải Phòng hiện có 14 CCN đã có quyết định thành lập hoặc phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 2.277 ha, dự kiến đến năm 2025 trên địa bàn thành phố sẽ có 33 CCN.
Bùi Việt
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận