Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, bối cảnh phát triển của thế giới hiện thay đổi nhiều, vì vậy, các nền kinh tế phải thay đổi tốt hơn cho sự phát triển bền vững theo hướng tiếp cận bao trùm ở tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng.
![]() |
Để doanh nghiệp có thể làm chủ và đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này, hai vấn đề cốt lõi là đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn cũng như nâng dần trình độ quản trị của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho rằng, kinh tế tuần hoàn chính là “chìa khóa” hóa giải mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Đó cũng là hướng đi mà các doanh nghiệp trên thế giới đang hướng đến và một số doanh nghiệp Việt Nam cũng sớm nắm bắt. Kinh tế tuần hoàn được đánh giá là một mô hình ưu việt bởi vừa tạo ra lợi nhuận, vừa tạo ra công ăn việc làm, mang lại những giá trị về mặt xã hội và môi trường, từ đó hướng tới một nền kinh tế xanh.
Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của việc nâng cao trình độ quản trị cho doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đức Thuận - Phó Chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam – chia sẻ, việc quan tâm nâng cao trình độ quản trị cho các doanh nghiệp Việt Nam về tài chính, marketing, nguồn nhân lực và quản trị rủi ro vẫn mang ý nghĩa sống. Theo ông Thuận, muốn phát triển bền vững cho cộng đồng thì trước tiên doanh nghiệp cần phải quan tâm đến sự bền vững cho chính mình.
Một số chuyên gia nhìn nhận, hiện Chính phủ kiên định và quyết tâm cải cách, đổi mới toàn diện, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững gắn liền với cộng đồng; thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kiếm tìm lợi nhuận song hành với việc đảm bảo đóng góp giá trị với xã hội. Do đó, việc các doanh nghiệp nâng cao hiểu biết về phát triển bền vững là rất cần thiết vì lợi ích cho cộng đồng.
“Những điều kiện để tận dụng cơ hội kinh tế không chỉ ở góc độ chi phí cạnh tranh mà còn yêu cầu về lao động, môi trường và yếu tố phát triển bền vững khác. Vì vậy, doanh nghiệp phải nhìn nhận cả về cơ hội và tận dụng cơ hội. Bản thân các doanh nghiệp cần phải tôn trọng thị trường, người tiêu dùng trong nước. Nếu khách hàng trong nước không đánh giá cao nỗ lực của doanh nghiệp trong phát triển bền vững thì sẽ rất khó để các doanh nghiệp khai thác ở thị trường bên ngoài” - ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - nói.
Phát triển bền vững đòi hỏi kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên, gìn giữ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. |