Hà Nội: Tập trung xây dựng nhãn hiệu tập thể

Nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của làng nghề, tạo chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường, những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các địa phương xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể (NHTT).
\"\"
Một góc chợ nón làng Chuông

Hướng đi mới cho làng nghề

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hà Nội - cho biết, trong số 8.852 làng có nghề và 965 làng nghề được công nhận của cả nước, Hà Nội có 1.350 làng có nghề (15,25%) và 286 làng nghề được công nhận (30%). Các làng nghề đã thu hút hàng vạn lao động thời vụ, tạo việc làm thường xuyên và là nguồn thu nhập chính của hàng nghìn gia đình.

Tuy nhiên, do sự đô thị hóa mà các sản phẩm làng nghề đang dần bị mai một bởi những sản phẩm công nghệ hiện đại. Trong nền kinh tế hội nhập, các sản phẩm này có nguy cơ phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại kém chất lượng, gắn nhãn hiệu giả mạo hoặc nhãn hiệu bị đánh mất. Đã có nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất vì mải chạy theo lợi nhuận mà dần đánh mất đi những nét đặc trưng truyền thống. “Nghiên cứu xây dựng, quản lý và phát triển NHTT là giải pháp tạo ra bước phát triển bền vững, phát huy lợi thế của làng nghề vốn có tiếng từ lâu đời và cũng phù hợp với chính sách của thành phố” - ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh!

Theo ông Tuấn, việc xây dựng, thực hiện và quản lý NHTT không chỉ nhằm bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn của sản phẩm làng nghề đối với người tiêu dùng và thị trường tiêu thụ, mà còn giúp bảo tồn, phát triển loại hình ngành nghề truyền thống của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Mặt khác, khi thương hiệu của sản phẩm làng nghề có vị thế trên thị trường sẽ tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, cũng như góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Hiệu quả lớn

Từ năm 2012 - 2017, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng trên 20 NHTT cho các sản phẩm đặc sản làng nghề truyền thống như: Tranh thêu Thường Tín, nón làng Chuông (Thanh Oai), mộc Chàng Sơn, tre trúc Thu Thủy, sơn mài Hạ Thái - Duyên Thái, gốm sứ Kim Lan, điêu khắc - tạc tượng Sơn Đồng, mây, tre đan Phú Nghĩa, chè lam Thạch Xá, nếp cái hoa vàng Đông Anh, bánh cuốn Thanh Trì, nhãn chín muộn Hoài Đức, bưởi tôm vàng Đan Phượng, khoai lang Đồng Thái, thuốc nam - bắc Ninh Hiệp... Các nhãn hiệu được bảo hộ và giới thiệu ra thị trường bước đầu đã mang lại niềm tin cho người tiêu dùng, mang lại hiệu quả tốt cho sản xuất.

Tiêu biểu, kể từ khi thương hiệu nón làng Chuông được công nhận NHTT, giá sản phẩm đã tăng 10%, lượng hàng tiêu thụ cũng tăng cao hơn so với trước. Nón làng Chuông cũng nhờ đó vinh dự được tham gia vào nhiều sự kiện lớn của đất nước như APEC, Sea Games... Tương tự, việc bảo hộ nhãn hiệu đã đưa thương hiệu thêu Thường Tín đi khắp mọi miền, người tiêu dùng có cơ sở để lựa chọn sản phẩm đúng nguồn gốc, xuất xứ. Nhờ đó, thu nhập từ nghề thêu chiếm đến 50% tổng thu nhập hàng năm của địa phương này.

Ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương, tập trung vào sản phẩm làng nghề truyền thống lâu đời, vùng cây - con đặc sản thông qua việc xây dựng, quản lý và phát triển NHTT, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý... Qua đó, duy trì hoạt động sản xuất của các làng nghề và tạo vị thế cho sản phẩm trên thị trường trong quá trình hội nhập quốc tế, có sức cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu cũng như các sản phẩm công nghệ cao.

Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã xây dựng và trình UBND thành phố phê duyệt Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ trện địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2025, trong đó tập trung hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù, sản phẩm làng nghề mang địa danh.

 

Quỳnh Nga
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận