Hà Nội: Phải tạo sự kết nối bền vững giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước

Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng là cực kỳ quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là phải tạo ra được mối liên kết bền vững, chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
Hà Nội: Điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tưHà Nội: Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tưHội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”: Sẽ trao chủ trương đầu tư cho 116 dự án

Điểm sáng về cách xúc tiến đầu tư 

Phát biểu tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” diễn ra sáng ngày 27/6, ông Ousmane Dione- Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã đưa ra ví dụ về cầu thủ bóng đá người Senegal Pape Omar của Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội, người đồng hương với ông, để nói về bài học kinh nghiệm trong thu hút đầu tư tại Hà Nội.

“Ở Hà Nội, Omar đã tìm được môi trường phù hợp để phát triển tài năng của mình. Các công ty đa quốc gia cũng vậy, đất nước Việt Nam không chỉ có lợi thế về ổn định chính trị, cơ sở hạ tầng phát triển, nguồn lao động giá rẻ, mà đang có công cụ quảng bá khá tốt hiện nay sau cuộc khủng hoảng Covid-19. Ngày hôm nay là thời điểm tuyệt vời, lý tưởng cho Việt Nam và Hà Nội thu hút đầu tư, phát triển”, ông Ousmane Dione khẳng định.

\"2935mg
Toàn cảnh Hội nghị

Cũng theo ông Ousmane Dione, để có được thành công như hôm nay, Omar không chỉ đứng một mình, mà luôn có các đồng đội hỗ trợ. Tương tự, việc thu hút vốn FDI vào Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, là cực kỳ quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là phải tạo ra được mối liên kết bền vững, chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Thành phố có thể hỗ trợ thông qua việc xác định doanh nghiệp nội địa có khả năng thành đối tác hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI.

“Hà Nội mong muốn các doanh nghiệp FDI \"định cư\" tại Hà Nội để đóng góp tối đa cho thành phố. Để làm được điều đó, ngoài xây dựng môi trường pháp lý phù hợp, nên tiếp tục nâng cao chất lượng sống tại Hà Nội, đưa thành phố ngày càng trở thành nơi đáng sống và tươi đẹp hơn”, ông Ousmane Dione nêu thêm.

Tại Hội nghị, thành phố sẽ tiến hành trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng. Tổng số dự án, số vốn tăng, tương ứng gấp 5 lần và 11 lần so với Hội nghị xúc tiến đầu tư 2016. Bên cạnh đó, thành phố cùng các nhà đầu tư ký kết 38 Biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD. Đồng thời giới thiệu danh mục 282 dự án Thành phố mong muốn thu hút đầu tư với tổng số vốn dự kiến 483,1 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc trao giấy chứng nhận đầu tư, ký biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư chỉ là bước đầu. Để thực hiện thành công các dự án, tận dụng làn sóng đầu tư mới và lan tỏa làn sóng này ra cả nước, thành phố cần phục vụ tốt nhất những dự án của các doanh nghiệp hiện có, bởi đây là cách xúc tiến đầu tư quan trọng nhất. “Tính tiên phong của lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn ở TOP dẫn đầu nhưng sự thân thiện của một bộ phận công chức cấp dưới chưa được đánh giá cao. Vì vậy, Hà Nội nên nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận, huyện để có thể phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Tạo ra một sân chơi cho doanh nghiệp

Trao đổi bên lề Hội nghị, ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội đánh giá rất cao nỗ lực của thành phố Hà Nội trong 5 năm trở lại đây. Theo đó, ngoài việc thu hút đầu tư, điểm quan trọng nhất là Hà Nội đã tập trung lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ. Cùng với việc thu hút các doanh nghiệp FDI thì Hà Nội cũng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp làng nghề, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để tạo thành chuỗi giá trị liên kết.

Cũng theo ông Mạc Quốc Anh, thông qua hội nghị này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa kỳ vọng thành phố Hà Nội tiếp tục tạo ra một sân chơi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp làng nghề, doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị liên kết để trở thành những doanh nghiệp phụ trợ hỗ trợ cho các những doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Hà Nội, cũng như các tỉnh, thành phố trên cả nước. “Trong thời điểm sau khi đã kiểm soát được dịch Covid-19, Hà Nội đã kêu gọi rất nhiều nhà đầu tư tại Hà Nội, chúng tôi mong muốn Hà Nội có nhiều chuỗi giá trị liên kết mới để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia được vào các chuỗi liên kết đó”, ông Mạc Quốc Anh nói.

Là doanh nghiệp về khoa học công nghệ Nano, ông Lưu Hải Minh – Chủ tịch Công ty cổ phần công nghệ mới Nhật Hải kiến nghị, các doanh nghiệp khoa học công nghệ phải được bình đẳng với các doanh nghiệp khác, các chính sách phải công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước và các phần vốn, giảm lãi, bảo hiểm xã hội… phải đúng và đủ. Hiện, vẫn còn một số cơ quan công quyền nói nhiều hơn làm. Thông qua hội nghị này, chúng tôi hy vọng doanh nghiệp và lãnh đạo thành phố có chung tiếng nói để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đánh giá rất cao những việc mà Hà Nội đã làm được để có thể thu hút đầu tư, không chỉ có đầu tư nước ngoài mà cả đầu tư trong nước. Tuy nhiên, Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam- cho rằng, sắp tới trước những khó khăn, thách thức mới thành phố nên tăng cường sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho cộng đồng doanh nghiệp. Trước hết là thông tin được minh bạch, sát thực, hỗ trợ cho doanh nghiệp đầy đủ các thông tin để họ có được những quyết định lựa chọn đầu tư, đúng đắn.

Bên cạnh đó, môi trường hạ tầng cơ sở rất cần thiết, những khó khăn về giải phóng mặt bằng, thủ tục giải quyết cần được sửa đổi. Và một điểm vô cùng quan trọng đó là thành phố cần xây dựng sự kết nối đồng bộ giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp phân phối, giữa doanh nghiệp công nghệ, phần mềm, thông tin, dịch vụ tài chính…

Đẩy mạnh thông tin đặc biệt đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh… nắm bắt, hiểu được các chủ trương của thành phố để có được sự đồng long, hỗ trợ từ cộng đồng xã hội. Làm được những điều đó, sẽ đẩy mạnh được môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố và thu hút được nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Nguyễn Hạnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận