Giảm giá 50% vẫn vắng khách
Khung cảnh vắng vẻ, đìu hiu là tình trạng chung của hầu hết các tuyến phố sầm uất tại Hà Nội như Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng, Kim Mã, Hàng Ngang, Hàng Đào… Đáng nói, từ đầu tháng 10, nhiều hoạt động kinh doanh, buôn bán ở Hà Nội đã được mở cửa trở lại, thế nhưng, số lượng cửa hàng mở cửa kinh doanh trở lại vẫn chưa nhiều. Không khó để bắt gặp những tấm biển có nội dung "Trả mặt bằng, sale 50% toàn bộ cửa hàng"; "Cho thuê cửa hàng"; "Sang nhượng cửa hàng"… dọc các con phố vốn tấp nập “kẻ mua người bán” trước đây.
Treo biển cho thuê mặt bằng trên phố Tôn Đức Thắng suốt từ tháng 3 đến nay nhưng vẫn chưa tìm được khách, chị Nguyễn Thị Vân cho hay, căn nhà mặt phố 3 tầng của gia đình cho thuê mặt bằng tầng một, 2 tầng trên gia đình để ở. Diện tích cần cho thuê khoảng 60m2 với giá 30 triệu đồng/tháng. Trước đây, khách thuê bán quần áo hợp đồng hết hạn từ tháng 3/2021, tuy nhiên, tình hình dịch bệnh khó khăn, kinh doanh giảm sút, 2 bên đã nhiều lần trao đổi để giảm giá nhưng khách vẫn không đồng ý ký tiếp hợp đồng. Gia đình cũng đã đăng tin cho thuê cửa hàng lên nhiều website, mạng xã hội mà chưa cho thuê lại được. “Nhà để không cũng sốt ruột nhưng dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi thứ, nên cũng đành chấp nhận”, chị Vân cho hay.
![]() |
Mặt bằng “đất vàng” ở Hà Nội "ế ẩm", vắng khách thuê |
Đáng chú ý, có nhiều mặt bằng, chủ nhà đã treo biển cho thuê qua 2 mùa dịch (từ đầu năm đến nay) vẫn chưa tìm được khách. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, mức giá thuê thời điểm này đã giảm đáng kể so với trước dịch nhưng chủ nhà “mỏi mắt” vẫn không tìm được khách. Nhiều địa điểm trước đây được coi là đắc địa, nay cũng đìu hiu, ế ẩm.
Anh Nguyễn Văn Thắng (quận Hoàn Kiếm) cho biết: Mặt bằng cho thuê trên phố trước rất đắt và tuyến phố Hàng Ngang - Hàng Đào là đắt nhất. Giá thuê rẻ cũng vào khoảng 60 triệu đồng/tháng với mặt bằng vừa và nhỏ, mà bây giờ giảm giá đến 50%, còn khoảng 20 - 30 triệu đồng cũng không có người thuê. Các cửa hàng hiện đang mở bán đa phần là của chủ nhà tự kinh doanh nên không phải mất chi phí thuê mặt bằng hoặc những cửa hàng lớn đã kinh doanh lâu năm.
Không chỉ xuất hiện trên nhiều tuyến phố, những quảng cáo thông tin cho thuê, sang nhượng lại cửa hàng cũng tràn ngập nhiều trên các trang mạng xã hội, website nhà đất. Nhiều thông tin được chủ nhà rao cho thuê nhiều tháng nay vẫn chưa tìm được khách mới. Nhiều địa điểm trước đây được coi là đắc địa trong kinh doanh ở các khu phố lớn nay vẫn tiếp tục cửa đóng, then cài và treo biển giảm giá sâu.
Khó phục hồi trong thời ngắn
Hiện nay, chi phí thuê mặt bằng trong kinh doanh là yếu tố rất quan trọng, nhất là với những hộ kinh doanh nhỏ, đây gần như là yếu tố quyết định hàng đầu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều tỉnh thành trên cả nước buộc phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 khiến thị trường bán lẻ gặp khó khăn, khách thuê không thể trụ vững buộc phải sang nhượng và trả mặt bằng.
Dịch Covid-19 cũng buộc các chủ kinh doanh phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Nếu như ở thời điểm trước dịch, yếu tố vị trí thuận tiện và trung tâm giúp các chủ cửa hàng mặt phố dễ dàng hút khách, lượng cung cầu ổn định. Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, liên tiếp các đợt giãn cách xã hội kéo dài đã thúc đẩy quá trình thay đổi chiến lược kinh doanh của nhiều khách hàng đi thuê mặt bằng, nên nhu cầu thuê mặt bằng giảm là tất yếu. Nhiều chủ kinh doanh cho biết, doanh số bán online đã tăng mạnh hơn so với trước khi có dịch khiến họ cân nhắc nhiều hơn về việc thuê mặt bằng. Tất cả chi phí mặt bằng sẽ được chuyển sang mục đích chạy quảng cáo, thu hút khách hàng.
Một nguyên nhân khác khiến mặt bằng cho thuê “lao dốc” do nguồn cung dư thừa. Dịch bệnh kéo dài đã khiến nhiều ngành nghề kinh tế, từ tiểu thương đến các doanh nghiệp lớn kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ như: Lưu trú, thời trang, dịch vụ ăn uống… thời gian qua bị ảnh hưởng trầm trọng. Chưa kịp ổn định hoạt động trở lại thì lại có đợt dịch khác bùng phát dẫn đến kinh doanh lại đình trệ, khách thuê phải trả mặt bằng, người lao động rời thành phố về quê tạm lánh dịch. Và hệ quả là phân khúc bất động sản cho thuê dư thừa nguồn cung, đó chính là nguyên nhân của tình trạng giá nhà cho thuê giảm thê thảm thời gian qua.
Theo Savills Việt Nam, dịch vụ lưu trú, mặt bằng văn phòng, nhà đất cho thuê là những phân khúc đang cực kỳ khó khăn của thị trường bất động sản. Những khó khăn này không phải một thời điểm ngắn, mà kéo dài, trên diện rộng và chưa thể đánh giá được thiệt hại. Việc giảm giá cho thuê mặt bằng cũng không cứu vãn được tình thế khi tất cả các dịch vụ vui chơi, ăn uống, giải trí, du lịch… hầu như đóng cửa, dẫn đến sự dư thừa nguồn cầu trên thị trường. Vì vậy, mức độ phục hồi của bất động sản cho thuê phụ thuộc vào mức độ phục hồi sau dịch bệnh của nền kinh tế. Có thể thấy, nhu cầu giảm, nguồn cung dư thừa đã đẩy mặt bằng kinh doanh tại nhiều mặt phố vào phân khúc khó khăn nhất của thị trường bất động sản.