Hà Nội: Hội nhập quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng

Hà Nội đang nỗ lực, tận dụng mọi nguồn lực từ các hiệp định thương mại để thúc đẩy tăng trưởng.
Hà Nội: Khởi công Cụm công nghiệp Song PhượngHà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 5 điểm trong Tết Dương lịchHà Nội và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Kết nối cùng phát triển

Ưu tiên nguồn lực cho xúc tiến thương mại

Tại Hội nghị ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VI năm 2023 với chủ đề “Hội nhập quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng xuất, nhập khẩu, công nghiệp, thương mại và dịch vụ giai đoạn 2023 - 2025” diễn ra tại Hà Nội ngày 2/10/2023, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trước những khó khăn mà ngành Công Thương gặp phải trong 9 tháng năm 2023, ngành Công Thương đã tập trung triển khai, kịp thời, quyết liệt các nhiệm vụ được giao, triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đơn giản hoá thủ tục hành chính, kết nối thương mại, kích cầu tiêu dùng.

Cũng tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đưa ra khuyến nghị: Cần tiếp tục quan tâm, ưu tiên nguồn lực cho xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường trong nước cũng như đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh các phương thức xúc tiến thương mại thông qua nền tảng số trên môi trường thương mại điện tử.

Hội nghị ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VI năm 2023 với chủ đề “Hội nhập quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng xuất, nhập khẩu, công nghiệp, thương mại và dịch vụ giai đoạn 2023 - 2025” diễn ra tại Hà Nội ngày 2/10/2023

Cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) để khai thác tốt cơ hội từ các hiệp định này. Tổ chức kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhất là các doanh nghiệp lớn toàn cầu.

Đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nước; thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu ổn định thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, làm tiền đề triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước và các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Trao đổi về tầm quan trọng trong hội nhập phát triển kinh tế, tại Hội nghị ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VI, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, việc thúc đẩy, phát triển thương mại, xuất khẩu là lĩnh vực khó, mang tính chất liên ngành. Các FTA đã có nhiều, nhưng cần quán triệt sâu rộng, thông suốt, từ lãnh đạo, quản lý cho tới những người làm trực tiếp trong lĩnh vực Công Thương. Vì vậy, Bộ Công Thương cần tăng cường tập huấn, giúp các địa phương hiểu kỹ, đầy đủ về các FTA và cách thức xử lý các tình huống gặp phải. Hiện còn nhiều quy định pháp luật trong lĩnh vực công thương chưa đầy đủ, thống nhất, mỗi địa phương đang hiểu và làm theo cách thức khác nhau, như trong trình tự thủ tục triển khai các khu, cụm công nghiệp.

Tiếp tục tăng cường hướng dẫn thực thi các FTA

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, dịch COVID-19 và xung đột kinh tế-chính trị giữa một số quốc gia trên thế giới đã khiến nhiều quốc gia ký kết FTA đã thay đổi quy định theo hướng bảo hộ sản phẩm trong nước, hạn chế nhập khẩu, nhưng những thông tin này chưa đến được với doanh nghiệp kịp thời.

Bên cạnh đó, dù các địa phương đều có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các quy định của mới của FTA, nhưng những hỗ trợ này mới chỉ áp dụng chung cho tất cả các ngành, chưa đi sâu vào cụ thể vào những ngành nghề mang tính chiến lược mà chúng ta cần tận dụng FTA.

Thực tế, các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao, cùng các cam kết đã tác động trực tiếp tới nhiều chế định pháp luật Việt Nam. Khi những cam kết này có hiệu lực, Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật quy tắc xuất xứ hàng hóa, phòng vệ thương mại, mua sắm công, lao động... Song vẫn có một số văn bản hướng dẫn ban hành chậm dẫn tới các doanh nghiệp bị thiệt thòi, dù được hồi tố.

Ngoài ra nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thật sự quan tâm đến các FTA, tự coi đây không phải là "sân chơi" dành cho mình, nên không tìm hiểu và rất mơ hồ về FTA. "Mặc dù đã tổ chức các lớp tập huấn, thông tin về các quy định của FTA nhưng đa số chủ doanh nghiệp cử các chuyên viên đi nghe, còn những người có quyền quyết định trong doanh nghiệp lại không đến. Đây là một nguyên nhân khiến tỷ lệ các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng ưu đãi thuế quan của các FTA còn thấp.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị và ưu tiên sản xuất các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của thành phố.

Đồng thời, khai thác hiệu quả các thị trường Việt Nam đã đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP...);

Tập trung triển khai hiệu quả công tác về hội nhập kinh tế quốc tế, thực thi các FTA như: Tăng cường rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động đúng theo quy định của pháp luật; tích cực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực thi các FTA, đặc biệt chú trọng các FTA thế hệ mới.

Thực tế, những FTA thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường lớn cho ngành công nghiệp của Hà Nội. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao tỷ trọng xuất khẩu, Sở Công Thương Hà Nội khuyến cáo các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, chủ động tìm hiểu các cam kết FTA; quy trình để xuất khẩu được sang thị trường có FTA, từ đó đánh giá xem sản phẩm của mình có thế mạnh gì để xuất khẩu vào thị trường đó…

Duy Anh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận