Hà Nội: Đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Sáng ngày 6/11, UBND thành phố (TP) Hà Nội tổ chức Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19” với sự tham gia của 150 đại biểu gồm đại diện một số bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo TP Hà Nội; các sở, ngành TP; các hiệp hội DN, ngành nghề, DN đang hoạt động trên địa bàn.
Hà Nội sắp tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệpHà Nội: Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nỗ lực hoàn thành kế hoạch

DN thành lập mới giảm 10%

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, trong 10 tháng đầu năm 2021, có 19.848 DN thành lập mới (giảm 10%) với số vốn đăng ký 275.152 tỷ đồng (giảm 2%), nâng tổng số DN trên địa bàn TP lên hơn 320.000 DN; Có 2.566 DN thực hiện thủ tục giải thể (tăng 26%), 11.034 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 17%); 9.144 DN hoạt động trở lại (tăng 76%). GRDP 9 tháng đầu năm tăng 1,28% - mức thấp nhất từ trước đến nay. Chỉ tiêu năm 2021 tăng trưởng 7,5% dự báo khó có thể hoàn thành.

toàn cảnh Hội nghị

Dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến kinh tế, xã hội nói chung, trong đó khu vực DN chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiệm vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn do các chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, việc khôi phục chuỗi cung ứng cần chính sách đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực và địa phương trên địa bàn TP cũng như trong cả nước. Giá cả một số nguyên, nhiên, vật liệu - đầu vào cho sản xuất, kinh doanh và các công trình xây dựng có nhiều biến động. Thiếu nguồn cung lao động....

Theo kết quả khảo sát nhanh đến ngày 27/10/2021 do Cục Thuế Thành phố thực hiện đối với 28.377 DN trên địa bàn TP, chỉ có 30,4% số DN được hỏi cho rằng đang hoạt động bình thường, tốt; trên 25% số DN có khó khăn về tiếp cận nguồn vốn; 30% có khó khăn do phát sinh chi phí chống dịch; trên 14% gặp khó khăn do thiếu nguồn lao động trở lại làm việc sau dịch; trên 20% không mua được nguyên liệu hoặc phải mua với giá cao…

các đại biểu tham dự Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tại Hội nghị, các DN đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị lên TP, trong đó, kiến nghị miễn, giảm tiền thuê đất năm 2021 để duy trì hoạt động kinh doanh của DN; hỗ trợ tiếp cận tài chính để phục vụ sản xuất kinh doanh; cho phép giãn nợ vay đối với khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021; đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội cho phép doanh nghiệp được tạm hoãn đóng BHXH hết năm 2021; hỗ trợ chi phí chống dịch như xét nghiệm Covid-19 cũng như tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa thuận lợi, không bị ách tắc.

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) - cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ, TP đã quyết liệt trong việc ban hành các chính sách toàn diện về tài khoá, tiền tệ. Dù các chính sách được đánh giá là hữu ích, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa từ chủ trương tới triển khai thực tế, đòi hỏi cần có các giải pháp để các chính sách hỗ trợ đi nhanh hơn vào cuộc sống. Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành chính sách cần có tính chất dài hơi để hỗ trợ DN như giảm lãi suất, giảm các chi phí sản xuất, kinh doanh; các chính sách phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối DN trong nước, hình thành các chuỗi liên kết Việt, đẩy mạnh hỗ trợ các DN chuyển đổi số. Các chính sách hỗ trợ người lao động là nguồn động viên hỗ trợ kịp thời và thực tế đi vào cuộc sống, được người lao động đánh giá cao. một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần DN không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của DN. Việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất”, ông Mạc Quốc Anh cho hay.

Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ông Lê Vĩnh Sơn- Chủ tịch Hội DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội- kiến nghị, TP cần nhanh chóng có ngay các giải pháp cụ hể hóa Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ để khôi phục, phát triển kinh tế, tạo điều kiện, cơ hội cho các DN phát triển. Đồng thời, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ cho các DN…. Ở chiều ngược lại, ông Lê Vĩnh Sơn cho rằng, các DN cần chủ động xây dựng các phương án hoạt động để đối phó kịp thời với các diễn tiến của dịch Covid-19, nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng hoạt động và khả năng chống chọi với cú sốc cả bên trong và bên ngoài.

Sức khỏe của DN là sức khỏe của nền kinh tế

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đinh Tiến Dũng- Bí thư Thành ủy Hà Nội- nhấn mạnh, với phương châm lấy DN và người dân là trung tâm phục vụ; TP đã và đang tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn, bất cập về cơ chế chính sách, về thủ tục hành chính để thúc đẩy DN phát triển nhanh và bền vững.

Ông Đinh Tiến Dũng- Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Ông Đinh Tiến Dũng- Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại Hội nghị

Đồng hành và chia sẻ trước những khó khăn của DN; với phương châm sức khỏe của DN là sức khỏe của nền kinh tế; chính quyền TP đã và đang nỗ lực hết mình, thực hiện đồng bộ các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn để duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Xác định ngoại lực đến từ các nhà đầu tư nước ngoài là nhân tố quan trọng, nội lực đến từ các DN trong nước là nhân tố quyết định đến sự phát triển bền vững, tính tự chủ của nền kinh tế. Tiếp ngay sau Hội nghị đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài, TP tổ chức Hội nghị đối thoại với các DN trong nước để lắng nghe, đối thoại về các khó khăn, vướng mắc từ phía các DN trong nước; đặc biệt là những kiến nghị, đề xuất, những sáng kiến, kinh nghiệm để TP có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy DN phát triển. Các kiến nghị, đề xuất từ phía DN, các Hiệp hội cũng sẽ là cơ sở quan trọng để TP thực hiện các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế một cách thực chất hơn và hiệu quả hơn, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn và lành mạnh cho cộng đồng DN và các nhà đầu tư kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội – thông tin, ngay trước Hội nghị này, trên tinh thần chỉ đạo của Đồng chí Bí thư, việc tổ chức Buổi đối thoại phải thực chất, hiệu quả; TP đã chủ động rà soát, đôn đốc 22 dự án còn vướng mắc để chỉ đạo, đến nay: đã hoàn thành thủ tục cấp/điều chỉnh cho 9 dự án, dự kiến trong nửa đầu tháng 11 hoàn thành thủ tục cấp phép cho 13 dự án còn lại; tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng ít nhất 20 cụm công nghiệp năm 2021; 18 cụm công nghiệp trong đầu năm 2022; tiếp tục ứng dụng, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức 4 theo hướng hỗ trợ tối đa cho DN, HTX, hộ kinh doanh….

Hiện Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 246 ngày 01/11/2021 về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 quý IV năm 2021, năm 2022 và 2023. Trong đó, mục tiêu là hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn nhằm phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian ngắn nhất. Bảo đảm ổn định kinh tế, cân đối ngân sách, củng cố nguồn thu cho ngân sách; Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Để thực hiện mục tiêu này, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục kiểm soát dịch Covid-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế; duy trì sự ổn định kinh tế, bảo đảm cân đối ngân sách; Phục hồi và phát triển ngành, lĩnh vực; xây dựng tiêu chí thích ứng an toàn với dịch Covid-19 và kế hoạch phục hồi, phát triển. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thành lập một số tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đầu tư công…

Về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thành phố sẽ thực hiện nhanh nhất, đầy đủ nhất các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về: Miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp; Hỗ trợ lưu thông hàng hóa và đi lại; Hỗ trợ chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh…

Đồng thời, cũng thực hiện các cơ chế chính sách của thành phố như thúc đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các Đề án, Kế hoạch đã ban hành. Đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách, bảo đảm thực chất, hiệu quả, thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi, phát triển kinh tế trong thời gian nhanh nhất.

Nguyễn Hạnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận