![]() |
Mười năm sau sáp nhập vào thủ đô Hà Nội, quận Hà Đông đã có những bước phát triển vượt bậc. Những kết quả mà quận Hà Đông đạt được đã một lần nữa khẳng định chủ trương đúng đắn của Chính phủ và Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.
Trong bài phỏng vấn gần đây, Ông Vũ Ngọc Phụng – Chủ tịch UBND quân Hà Đông chia sẻ: Sau khi thực hiện Nghị quyết 15/QH12 của Quốc hội và Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, Hà Đông là đơn vị hành chính trực thuộc Hà Nội từ ngày 01/8/2008. Đến nay, quận có 17 đơn vị hành chính phường, dân số trên 319 nghìn người được phân bố tại 250 tổ dân phố với hơn 86.114 hộ dân, mật độ dân số gần 6.602 người/km2. Hà Đông cũng là quận có tốc độ đô thị hoá nhanh với các trục đường giao thông, khu đô thị, chung cư cao tầng, cụm, điểm công nghiệp, các trung tâm thương mại, dịch vụ được đầu tư xây dựng góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của quận ngày càng phát triển.
Về kinh tế: Quận Hà Đông có bước phát triển khá toàn diện, ổn định, đạt mức tăng trưởng bình quân 25,14%/năm, cao hơn mức trung bình toàn TP là 20,3%. Nếu như thời điểm mới hợp nhất, giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn quận chỉ đạt trên 2.300 tỷ đồng, thì đến năm 2017, tăng lên xấp xỉ 19.500 tỷ đồng, ước năm 2018 đạt 22.360 tỷ đồng. Doanh thu thương mại - du lịch - dịch vụ liên tục có mức tăng trưởng nổi bật. Nếu như năm 2008 chỉ đạt trên 4.300 tỷ đồng, đến năm 2018 đạt trên 62.800 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 33,02%. Công tác thu, chi ngân sách được tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả, trong đó thu ngân sách tăng bình quân 7,06%/năm. Về thu hút đầu tư, trong 10 năm, trên địa bàn quận đã có 156 dự án được UBND tỉnh Hà Tây và UBND TP. Hà Nội cấp phép với tổng vốn đầu tư đạt xấp xỉ 56.500 tỷ đồng, quy mô diện tích khoảng gần 630 hecta.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng: Giai đoạn 2008 - 2018, quận Hà Đông tiếp tục đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng cơ bản, nhằm tạo bộ mặt đô thị quận ngày càng đồng bộ, văn minh, hiện đại. Trong đó, quận tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, hạ tầng xã hội, đặc biệt là xây dựng trường học, nhà văn hóa, hội trường họp dân. Trong 10 năm, quận đã thực hiện xong dự án hạ ngầm cáp điện, cáp thông tin trên các tuyến phố chính như: Lê Lợi, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Trãi…, trong các khu đấu giá, các khu đất dịch vụ, các khu đô thị mới. Hệ thống điện chiếu sáng, điện sinh hoạt được đầu tư đồng bộ tại các khu đất dịch vụ; từng bước cải tạo, hoàn thiện hệ thống chiếu sáng tại các khu vực dân cư. Quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống cống rãnh thoát nước trên địa bàn các phường, giảm thiểu tình trạng ngập úng trong mùa mưa bão.
Về quy hoạch đô thị: Trong 10 năm qua, quận Hà Đông đã hoàn thành quy hoạch phân khu đô thị S3, S4, GS, H2-2, H2-3 trình UBND TP phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đất dịch vụ, kịp thời giao đất cho nhân dân. Công tác quản lý nhà chung cư được quan tâm chỉ đạo. Công tác quản lý đô thị, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường được tăng cường và đạt kết quả khá tích cực. Trong 10 năm, Quận đã hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, trong đó, hoàn thành kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015), kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) theo quy định.
Ngoài ra, trong 10 năm thực hiện nghị quyết quận Hà Đông đã cấp mới 37.580 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân; hoàn thành giao đất dịch vụ cho 18.166 trường hợp, đạt 66,5% so với nhu cầu. Công tác giao đất, cho thuê đất và thu hồi đất được tập trung chỉ đạo kiên quyết, đúng quy định pháp luật về đất đai. Giai đoạn 2008-2018, quận Hà Đông đã thu hồi khoảng 1.685 hecta đất nông nghiệp để thực hiện các dự án phát triển đô thị, công nghiệp, trường học, giao thông, đấu giá quyền sử dụng đất và các dự án để giao đất dịch vụ cho nhân dân theo chính sách quy định của Nhà nước. Tất cả các dự án thu hồi đất đều đảm bảo theo quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thủ tục thu hồi đất được thực hiện theo đúng trình tự quy định của pháp luật.
Về văn hóa – giáo dục: Sự nghiệp phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai sâu rộng và đạt nhiều kết quả tích cực. Thiết chế văn hóa - thể thao được đầu tư đồng bộ.
Giáo dục đào tạo được quan tâm, coi trọng. Sau 10 năm sáp nhập, ngành giáo dục đào tạo quận Hà Đông cũng không ngừng được đầu tư phát triển theo hướng đạt chuẩn, cơ sở vật chất trường học được đầu tư tăng cường từ chỗ chỉ có 57 trường với 34.170 học sinh, nay quy mô đã tăng lên 126 trường; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia là 74,4%. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong những năm qua phát triển nhanh về số lượng và chất lượng.
Quận Hà Đông cũng đã hoàn thành quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời, hoàn chỉnh khớp nối chung quy hoạch mạng lưới trường học của Thủ đô Hà Nội. Hiện nay, ngành Giáo dục đào tạo quận Hà Đông xếp vị trí thứ 3/30 quận, huyện, thị xã, tăng 14 bậc so với năm đầu thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội. Việc thực hiện chính sách an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm mạnh từ 1,38% năm 2008 xuống còn 0,3% năm 2017.
Về công tác cải cách hành chính: Quận Hà Đông là số ít đơn vị của TP ban hành Đề án chuyên đề xuyên suốt toàn khóa về công tác cải cách hành chính, xây dựng cơ quan điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử quận giai đoạn 2016-2020. Tỷ lệ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân hàng năm đều đạt trên 90%. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, tinh gọn, thống nhất, hoạt động ngày càng hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Năng lực lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, phong cách làm việc, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng lên. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được Đảng bộ quận tập trung chỉ đạo. Trong 10 năm, Đảng bộ quận đã kết nạp được 2.781 đảng viên mới, thành lập mới 32 tổ chức đảng, đạt 100% chỉ tiêu Thành ủy giao. Công tác quy hoạch, sắp xếp đội ngũ cán bộ được thực hiện đồng bộ từ quận đến cơ sở, đảm bảo quy trình, số lượng, chất lượng theo quy định và luôn quan tâm công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ nên số lượng cán bộ nữ, cán bộ trẻ tăng so với thời điểm mới hợp nhất.
Tuy còn một số vướng mắc và tồn tại như: Công tác quản lý đô thị, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, vi phạm về trật tự xây dựng tại một số khu đô thị chưa được xử lý triệt để...nhưng những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô chính là những điểm tựa vững chắc để Hà Đông hướng tới những mục tiêu mới, phát triển quận trở thành đô thị phát triển mạnh, toàn diện, bền vững.