![]() |
Khâu hoàn thuế gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp |
Chậm do DN và cơ chế
Nguyên nhân khách quan việc hoàn thuế cho DN chậm, theo lý giải từ cơ quan thuế là do: Hồ sơ, chứng từ, sổ sách, hóa đơn mua bán, hợp đồng… của DN không hợp lệ hoặc không đủ điều kiện hoàn thuế (chẳng hạn như DN mua hàng hóa của DN khác không có thực hoặc không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh, đã phá sản hoặc giải thể, bị đóng mã số thuế hoặc không được sử dụng chứng từ…); DN không thanh toán qua ngân hàng, hồ sơ hoàn thuế của DN đang bị cơ quan chức năng điều tra…
Tuy nhiên, chậm hoàn thuế còn có nguyên nhân từ chính sách. Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính, một số DN thuộc diện hoàn thuế vẫn còn nợ thuế với ngân sách nhà nước, trong khi ngân sách nhà nước cần phải hoàn lại khoản thuế đã nộp cho DN thuộc diện được hoàn thuế. Thế nhưng, cơ chế, chính sách hiện tại lại chưa có quy định nào cho việc bù trừ lẫn nhau mà vẫn yêu cầu DN phải nộp hết số tiền thuế còn nợ sau đó mới hoàn thuế, điều này khiến DN không đồng tình bởi gặp khó khăn về tài chính (khoảng 20 DN trong trường hợp này). Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, vướng mắc này là lỗi do chính sách chưa đồng bộ.
Sửa đổi chính sách
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN trong hoàn thuế, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: Bộ Tài chính đang gấp rút sửa đổi một số quy định không còn phù hợp. Cụ thể, đối với DN còn nợ thuế nhà nước, trong khi nhà nước có nghĩa vụ hoàn thuế lại cho DN, thay vì bắt DN nộp phạt xong mới hoàn thuế, Bộ Tài chính sẽ sửa theo hướng hạch toán cho bù trừ lẫn nhau.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ sửa quy định không giao hạn mức cho từng địa phương mà theo hướng dự toán cho Tổng cục Thuế nhằm đảm bảo điều tiết không có nơi thừa, nơi thiếu quỹ hoàn thuế.
Theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính trong kê khai, nộp thuế, hoàn thuế đúng và kịp thời, ngành Thuế đã nỗ lực triển khai và ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin, hiện đại hóa nghiệp vụ thuế, điện tử hóa khâu hoàn thuế; công tác thanh tra, kiểm tra thuế cũng được triển khai thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Trên cơ sở đó, những DN nào có dấu hiệu rủi ro, vi phạm pháp luật mới thực hiện thanh tra, kiểm tra; DN thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và tuân thủ tốt pháp luật sẽ không bị thanh tra, kiểm tra.
Bộ Tài chính cũng chỉ đạo ngành Thuế phải làm tốt công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn cho DN. Những phản ánh từ phía DN liên quan đến cơ chế, chính sách... thuộc phạm vi quản lý của ngành phải được lắng nghe, tiếp nhận, xem xét và trả lời kịp thời, công khai.
Hai tháng đầu năm 2016, đã có 3.100 hồ sơ DN gửi tới cơ quan thuế để hoàn số tiền thuế 13.000 tỷ đồng. |