Bàn giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệpTận dụng cơ hội từ các FTAs để xuất khẩu bền vững |
Nhận diện cơ hội và rủi ro
Nhằm giúp doanh nghiệp (DN) nhìn nhận, đánh giá những tác động của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đối với kinh tế thị trường toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, đưa ra những giải pháp thích ứng nhằm giảm thiểu rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP. Hồ Chí Minh (CIIS) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) vừa tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giải pháp thích ứng cho hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh khủng hoảng Nga-Ukraine”.
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, là các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam trong khu vực Á-Âu, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Nga và Ukraine, dưới áp lực của cuộc khủng hoảng, cũng đã có những biến động đáng kể.
![]() |
Chuyên gia, diễn giả thảo luận, giải đáp thắc mắc về hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh khủng hoảng Nga-Ukraine tại hội thảo |
TS. Lê Hoàng Anh - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Viện Nghiện cứu Khoa học và Công nghệ Ngân hàng, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cuộc khủng hoảng giữa hai quốc gia này sẽ làm gia tăng thêm các rủi ro về chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất trên toàn cầu. Việc lạm phát tăng cao có thể dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế thấp hơn ở một số quốc gia, trong khi đó một số quốc gia khác được hưởng lợi.
Từ các tính toán, diễn giả cũng đưa đến các kịch bản nhất định về giá thành cũng như xu hướng phát triển của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2024 nhằm giúp DN nhận diện được những cơ hội và rủi ro để hoạch định chiến lược kinh doanh phù hợp với hoàn cảnh, biến động hiện tại.
![]() |
Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, phát biểu tại hội thảo |
Trong khi đó, ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cũng đã có những chia sẻ, phân tích sâu hơn về cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp khi mối quan hệ giữa Nga và Ukraine đang trong tình trạng căng thẳng.
Theo ông Phạm Bình An, Nga và Ukraine là những thị trường truyền thống và có tính thương mại cao đối với Việt Nam. Điều này thể hiện rõ qua các thống kê, cụ thể: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam với Nga và Ukraine năm 2021 vào khoảng 7,6 tỷ USD, chiếm 1,2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, trong đó kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga đạt 7,14 tỷ USD tăng 25,9% so với năm 2020, đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại của Nga. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khu vực ASEAN, đối tác lớn thứ 5 trong các nền kinh tế APEC.
Qua các số liệu này, ông Bình An đánh giá cao tiềm lực của thị trường Nga - Ukraine và cũng nhấn mạnh việc DN cần phải có các chiến lược phù hợp để giữ chân các đối tác này. Ngoài những phân tích thị trường, ông Bình An cũng đưa ra các đánh giá về cơ hội và thách thức mà DN đang và sẽ phải đối mặt như: DN đang gặp thách thức nguôn cung thiếu hụt, giá cả gia tăng, áp lực lạm phát, ảnh hưởng quá trình phục hồi nền kinh tế, rủi ro, khó khăn trong logistics và thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng cơ hội thu hút đầu tư vào Việt Nam, tăng cường giao thương, mở rộng thị trường, tiếp cận và giành thị phần tại thị trường Nga, đặc biệt là cơ hội thâm nhập thị trường EU trong lĩnh vực nông thực phẩm và lương thực.
Giải pháp thích ứng cho hoạt động xuất nhập khẩu
Từ góc độ thực tiễn trải nghiệm, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, mặc dù Nga và Ukraine không nằm trong top các thị trường xuất khẩu thủy sản nhưng đây vẫn là những thị trường quan trọng, có tiềm năng phục hồi tăng trưởng mạnh. Khi xung đột giữa hai quốc gia xảy ra, rất nhiều hoạt động đã bị đình trệ: thanh toán gián đoạn vận chuyển khó khăn, các hợp đồng cũ tồn đọng, hợp đồng mới không thể ký kết... Tất cả những vấn đề này khiến cho DN ngành thủy sản trở nên lo lắng và quan ngại rất nhiều.
![]() |
Hội thảo thu hút sự quan tâm của 200 đại biểu là các doanh nghiệp, cơ quan ban, ngành |
Việc đứt gãy chuỗi cung ứng ở hai thị trường này khiến các DN chịu không ít tổn thất. Để ứng phó với tình hình căng thẳng này, theo ông Trương Đình Hòe, DN cần có những giải pháp thích ứng cho những tác động trực tiếp và gián tiếp.
Về giải pháp cho những tác động trực tiếp: Các đơn hàng đã giao, DN tiến hành các biện pháp thanh toán nhanh thông qua các kênh từ ngân hàng nước ngoài, ngân hàng tư nhân. Đối với các đơn hàng đang trên đường giao hoặc có kế hoạch giao: Kéo hàng về, hoãn hoặc hủy đơn hàng, còn các đơn hàng vẫn được giao theo yêu cầu khách hàng thì thống nhất lại khâu thanh toán, thay đổi cảng và khách hàng chịu chi phí phát sinh. Đồng thời, tăng cường việc cập nhật thông tin từ các đối tác Nga và Ukraine để kịp thời giải quyết các phát sinh.
Giải pháp cho những tác động gián tiếp: DN cần tìm kiếm cơ hội gia tăng thị phần cá tra trước sự thiếu hụt nguồn cung cá thịt trắng tại các quốc gia châu Âu. Điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu nguyên liệu thủy sản, quan tâm nhiều hơn đến khả năng gia công, chế biến xuất khẩu từ nguồn cá Pollock, cá Cod của Nga. Cùng với đó, xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại để có thể mở rộng xuất khẩu sang các thị trường trước đây tiêu thụ gián tiếp nhiều thủy sản của Nga. Nghiên cứu khả năng vận dụng tốt lợi thế của Hiệp định trong Liên minh kinh tế Á- Âu và các Hiệp định khác để tăng xuất khẩu vào các thị trường lân cận.
Để có thể xây dựng một chiến lược dài hạn và hiệu quả, ông Phạm Bình An cũng khuyến nghị một số giải pháp cụ thể mà cơ quan nhà nước, DN nên lưu ý thực hiện để ứng phó nhanh chóng và hiệu quả trước sự biến động và diễn biến ngày càng phức tạp của cuộc khủng hoảng như: ổn định kinh tế vĩ mô, triển khai chương trình phục hồi, bổ sung, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cấp hệ thống logistics; kiểm soát rủi ro tỷ giá, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, theo dõi, phân tích dự báo tình hình.
Đối với DN đa dạng hóa thị trường và nguồn cung; đồng tiền thanh toán, ra soát lại các hợp đồng và hồ sơ pháp lý, chủ động đàm phán để hạn chế rủi ro trong ký kết và thực hiện hợp đồng… Nghiên cứu các dòng hàng được hưởng ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do..