Bất nhất trong thực thi các quy định chống dịch và những hệ luỵ
Những ngày gần đây, các doanh nghiệp (DN) như ngồi trên đống lửa khi hàng hoá xuất đi, nhập về không đúng thời gian, không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất mà còn khiến DN đứng trước nguy cơ phạt, thậm chí là huỷ hợp đồng. Nguyên do, ách tắc trong vận chuyển hàng hoá đang diễn ra rất nghiêm trọng, nhất là tại các chốt kiểm soát dịch bệnh ở các cửa ngõ của thành phố Hà Nội như chốt Pháp Vân- Câu Giẽ, chốt cầu Phù Đổng…
Cùng đó, theo phản ánh của nhiều DN vận tải, việc áp dụng các biện pháp chống dịch đang rất khác nhau giữa các địa phương gây nhiều khó khăn, thậm chí DN không xoay sở kịp. Chẳng hạn, Bộ Y tế gần đây đã có công văn khẩn hướng dẫn các địa phương về xét nghiệm trong vòng 72 giờ nhưng một số địa phương chỉ công nhận giấy xét nghiệm trong vòng 24 giờ, thậm chí hiệu lực chỉ trong 1 ngày – có nghĩa chưa đủ 24 giờ.
Tại buổi Toạ đàm trực tuyến "Tháo gỡ đình trệ vận tải hàng hoá do Covid-19" do Báo Giao thông tổ chức ngày 26/7, ông Trần Đức Nghĩa- Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam- thông tin: Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, khi vào khu vực cửa khẩu phải xét nghiệm nhanh trong khi bắt đầu vào tỉnh lái xe đã phải xét nghiệm PCR.
Sự thiếu nhất quán còn thể hiện ở việc các địa phương phong toả đường quốc lộ. Tại Hải Dương, khi dịch lần 3 bùng phát, UBND tỉnh đã cho đóng cửa quốc lộ 18 và 52. Trong khi đó, tại lần dịch thứ 4, Bắc Ninh và Bắc Giang vẫn duy trì vận chuyển hàng hoá quốc lộ 1A và 18 bình thường, mặc dù mức độ dịch bệnh tại đây nghiêm trọng hơn rất nhiều. Mới đây nhất, cũng có thể thấy sự khác biệt giữa thành phố Hồ CHí Minh (TP.HCM) và Hà Nội. Trong khi quốc lộ 1A qua địa bàn TP.HCM không bị đóng cửa khi áp dụng Chỉ thị 16, Hà Nội đã nhất quán quan điểm đóng cửa quốc lộ 1A để phong toả địa bàn.
![]() |
Vận tải hàng hoá đang ách tắc nghiêm trọng gây hệ luỵ không nhỏ cho cả doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp sản xuất |
“Một điểm nữa, khi thay đổi quy định, hầu hết các địa phương có xu hướng áp dụng rất nhanh gây lúng túng cho DN. Ví dụ, tại Hải Phòng từ ngày 18 đến 20/7, ba cửa ngõ đi vào Hải Phòng bị ách tắc nghiêm trọng bởi áp dụng dán tem cho các phương tiện và xét nghiệm lái xe trong khi các tỉnh khác chưa áp dụng, các DN chưa thể cập nhật thông tin. Điều này gây thiệt hại cho DN”, ông Trần Đức Nghĩa nói.
Sự bất nhất trong triển khai các quy định về phòng, chống dịch tại các địa phương đang chất thêm gánh nặng cho DN vận tải. Đại diện Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam ví dụ, một công ty có 150 lái xe, hiện hàng tháng phải chi trả hơn 300 triệu đồng phí xét nghiệm các loại. Đây là một chi phí khủng khiếp.
Bày tỏ quan điểm trước hiện trạng trên, PGS.TS Trần Đắc Phu- Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam- chia sẻ: Các địa phương đang triển khai quá chặt, quá chậm hoặc quá máy móc trong áp dụng các quy định phòng, chống dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến lưu thông hàng hoá. Trên thực tế, việc xét nghiệm nhanh hay xét nghiệm PCR đều chỉ mang tính tương đối, ý thức phòng bệnh của lái xe mới là quan trọng nhất. Do vậy nên chấp nhận quy định của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải trong tình hình hiện nay, đó là xét nghiệm nhanh và giải phóng cho lái xe để không bị cảnh ùn tắc.
Cần chuẩn bị kịch bản cho trường hợp xấu nhất
Đảm bảo lưu thông hàng hoá, không để đứt gẫy chuỗi cung ứng là mục tiêu đang được Chính phủ, các Bộ, ngành nỗ lực thực hiện. Mới đây Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký văn bản về việc vận chuyển hàng hoá thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hoá thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã được dán giấy nhận diện có mã QR code của ngành giao thông vận tải trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ; việc kiểm tra các phương tiện vận chuyển chỉ được thực hiện tại các điểm giao nhận hàng hoá, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch.
Phản ứng nhanh chóng của Chính phủ cũng như các Bộ, ngành trong việc tháo điểm nghẽn ách tắc trong lưu thông hàng hoá cho thấy độ mức độ quan tâm và sẵn sàng chia lửa của DN trong bối cảnh dịch bệnh gây khó khăn mọi mặt cho xã hội. Tuy nhiên, việc ứng phó với dịch bệnh cũng như hệ luỵ liên quan không thể trong một sớm một chiều hay một, hai vấn đề mà cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng, và xác định là sẽ mất nhiều thời gian.
Như lời ông Trần Thanh Hải- Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Điều gì sẽ xảy ra khi dịch bệnh còn kéo dài, không loại trừ ca nhiễm xuất hiện mọi nơi? Quản lý chống dịch như thế nào để không ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động của DN trong đó có lưu thông hàng hoá. Do đó, các địa phương ngay từ bây giờ cần lên phương án khi kịch bản xấu nhất xảy ra.
Về giải pháp trước mắt đảm bảo an toàn cho lái xe, cũng như đảm bảo an toàn trong công tác vận tải, PGS. TS Trần Đắc Phu cho rằng: Cần nâng cao hướng dẫn, giám sát và kiểm tra việc chấp hành của tài xế trong phòng bệnh. Ở đây có cả vấn đề góp phần tạo điều kiện cho tài xế như bố trí nơi ăn nghỉ, tạm dừng nếu lái xe đường quá dài. Và những giải pháp khác để lái xe không tiếp xúc với những người xung quanh. Bố trí người bốc vác hai đầu và người bốc vác hai đầu phải thực hiện nghiêm túc 5K phòng chống dịch và thực hiện phun khử khuẩn phương tiện.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải)- nhấn mạnh: Các tài xế và người ngồi trên xe phải đảm bảo mọi quy định về phòng chống dịch. Không phải cứ xe luồng xanh là không kiểm tra, người trên xe, tài xế không xét nghiệm, không chấp hành các quy định 5K.
Ngoài ra, để tạo ưu tiên thuận lợi cho vận chuyển hàng thiết yếu, đơn vị chức năng đã đưa hướng dẫn lên hệ thống luồng xanh (http://luongxanh.drvn.gov,vn) để DN nhận biết hàng nào được ưu tiên vận chuyển.