Theo ước tính, hàng năm có khoảng 1 nghìn tỷ đô-la Mỹ chi tiêu cho mục đích cá nhân trên khắp Đông Nam Á vẫn được thực hiện bằng tiền mặt hoặc séc. Tuy nhiên, đây là khu vực hiện có lượng dân số trẻ cùng thu nhập ngày càng tăng, mức độ sử dụng Internet tương đối cao với hơn 300 triệu người dùng điện thoại thông minh, và điều này mang đến cơ hội chuyển đổi nhanh chóng các nền kinh tế trong khu vực sang ứng dụng thanh toán số.
![]() |
Thanh toán không tiền mặt ngày một phổ biến tại Việt Nam |
Tại Vietnam Fintech Forum 2019 tổ chức mới đây, bà Adeline Kim - Giám đốc Sản phẩm - Giải pháp của Visa Đông Nam Á - cho biết: Với sự phát triển của ngành fintech, chúng tôi nhận thấy rằng nhiều doanh nghiệp mới nổi đang nghiên cứu những sáng kiến để xây dựng một thế giới thương mại dễ tiếp cận hơn với mọi người ở mọi nơi. Chúng tôi thấy rằng điều này đặc biệt quan trọng ở Việt Nam - khi tỉ lệ người sử dụng các dịch vụ ngân hàng chính thức tương đối thấp, các công ty fintech với khả năng đáp ứng nhu cầu của nhóm đối tượng đa dạng này có thể khai thác được nhiều tiềm năng và cơ hội lớn.
Thực tế đã cho thấy, các công ty Fintech ở Việt Nam đã có sự phát triển khá nhanh trong thời gian qua. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng- Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (VNUHCM-IBT), hiện có hơn 154 công ty hoạt động trong lĩnh vực fintech tại Việt Nam, trong đó có 37 công ty hoạt động trong mảng thanh toán.
Và ở lĩnh vực thanh toán thì các fintech như MoMo, Zalo Pay, Viettel Pay… đã góp phần không nhỏ vào việc thay đổi hình thức thanh toán không tiền mặt. Thống kê của JP Morgan, đến tháng 9/2019, 19% giá trị giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam được thực hiện qua ví điện tử. Giá trị giao dịch thương mại điện tử qua ví điện tử ngang bằng với thanh toán bằng tiền mặt và chỉ xếp sau thanh toán qua thẻ là 34% và tài khoản ngân hàng là 22%. Những con số này cho thấy rằng fintech có thể nắm giữ chìa khóa giảm sự phụ thuộc vào tiền mặt ở Việt Nam.
Được biết, Visa cam kết thiết lập các tiêu chuẩn mang tính toàn cầu và có thể tương tác với nhau, kết nối người mua với người bán trên nhiều kênh thương mại đang phát triển. Vì thế Visa luôn tìm kiếm các hình thức đầu tư giúp mở rộng mạng lưới của mình đến hệ sinh thái thương mại toàn cầu. Vào tháng 7 năm nay, trong khuôn khổ của vòng gọi vốn Series F cuối cùng, Visa đã đầu tư vào GOJEK. Trước đó, vào năm ngoái, Visa đã khởi động “Visa Everywhere Initiative” (tạm dịch: Sáng kiến khắp nơi của Visa) tại Việt Nam - một cuộc thi sáng tạo toàn cầu nhằm thử thách các doanh nghiệp triển vọng giải quyết các vấn đề của lĩnh vực thanh toán và thương mại. Visa đã trao thưởng tổng cộng 700 triệu đồng cho các công ty start-up được chọn trong chương trình để giúp họ đạt được mục tiêu của mình trong ngành fintech.