![]() |
Chấm dứt ngay việc kinh doanh hóa chất trái phép tại chợ Kim Biên |
Hóa giải nỗi lo an toàn cháy nổ
Chợ Kim Biên được mệnh danh là “chợ tử thần” tồn tại hơn 50 năm và nằm ngay trung tâm thành phố. Theo các chuyên gia về hóa chất, đến thời điểm này, chợ Kim Biên đã quá tải, không bảo đảm an toàn cháy nổ, việc quy hoạch lại là rất cần thiết.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - hiện thành phố có 638 cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất đang hoạt động, trong đó lĩnh vực hóa chất công nghiệp 401 cơ sở… Riêng khu vực chợ Kim Biên có hơn 70 cơ sở kinh doanh hóa chất công nghiệp và 25 cơ sở kinh doanh hương liệu, phụ gia thực phẩm. Các kho chứa hóa chất có quy mô từ 100 -1.000 m2, nằm đan xen trong khu dân cư, đa số không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao… “Việc sớm thành lập trung tâm kinh doanh hóa chất sẽ giúp cơ quan quản lý nhanh chóng di dời các cơ sở kinh doanh không đạt yêu cầu, nhằm bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ cho người dân. Ngoài ra, việc thành lập trung tâm sẽ giúp xây dựng thương hiệu kinh doanh hóa chất, hương liệu an toàn, văn minh và hiện đại cho thành phố” - ông Hòa khẳng định.
Xung quanh việc di dời chợ Kim Biên, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết, khi trung tâm kinh doanh hóa chất nói trên đi vào hoạt động, phải chấm dứt ngay hoạt động của chợ Kim Biên và những địa điểm bán hóa chất khác còn xen kẽ trong khu dân cư.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - khẳng định, hoàn toàn tán thành chủ trương của TP. Hồ Chí Minh quy hoạch lại chợ hóa chất Kim Biên. Đây là giải pháp góp phần tăng cường quản lý hóa chất, đặc biệt là hóa chất độc, nguy hiểm, đồng thời hạn chế những hành vi lạm dụng hoá chất trong chế biến thực phẩm, sử dụng sai mục đích do việc mua bán hóa chất quá dễ dàng như hiện nay. Ngoài ra, xây dựng trung tâm kinh doanh hóa chất với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật sẽ giúp các hộ kinh doanh, doanh nghiệp an toàn hơn trong lưu trữ, giảm thiệt hại cho cộng đồng nếu có sự cố hóa chất xảy ra.
Theo Sở Công Thương thành phố, trung tâm hóa chất, hương liệu dự kiến có quy mô khoảng 11ha, vừa là khu vực thương mại vừa là kho chứa, đóng gói, sang chiết hóa chất.
Kiểm soát chặt kinh doanh hóa chất
Mặc dù, chủ trương của TP. Hồ Chí Minh quy hoạch lại chợ hóa chất Kim Biên là việc làm cần thiết, nhưng theo ông Trần Vĩnh Tuyến, giải bài toán quản lý hóa chất cần theo hướng căn cơ, lâu dài, không phải di dời chợ hóa chất sang nơi khác là xong. “Quy hoạch, xây dựng trung tâm kinh doanh hóa chất cần có tiêu chí quản lý đặc thù, chấm dứt hẳn chức năng kinh doanh hóa chất ở chợ Kim Biên, bảo đảm kiểm soát kinh doanh hóa chất không chỉ ở chợ Kim Biên mà cả ở những chợ khác” - ông Tuyến nói.
Thực tế hiện nay, khu vực chợ Kim Biên kinh doanh rất nhiều mặt hàng hóa chất phục vụ cho các ngành công nghiệp, y tế, thực phẩm, bảo vệ thực vật... Những loại hóa chất này đều đã được Nghị định 108/2008/NĐ-CP phân loại rất cụ thể kèm theo điều kiện kinh doanh.
Đứng về góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh, đối với chợ Kim Biên, các lực lượng chức năng cần kiểm tra, thống kê đầy đủ các loại hóa chất của từng tiểu thương đang buôn bán, từ đó rà soát mặt hàng nào đủ điều kiện kinh danh, mặt hàng nào chưa. Nếu biện pháp kiểm soát điều kiện kinh doanh hóa chất không được thực thi tốt thì việc xây trung tâm là lãng phí.
Ngoài ra, để tập trung các cơ sở sản xuất hóa chất vào một khu vực riêng không phải là chuyện dễ. Về vấn đề này, ông Thanh gợi ý nên tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới. Như Trung Quốc, riêng thành phố Thượng Hải đã làm thí điểm một khu phố dành cho kinh doanh hóa chất và đưa ra những yêu cầu nghiêm ngặt đối với các hộ kinh doanh, người và phương tiện ra, vào trong khu phố đó. Đây là mô hình mà Việt Nam nên hướng tới để kiểm soát chặt các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất.
Trong khi chờ xây dựng trung tâm kinh doanh hóa chất, ông Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý kinh doanh hóa chất không rõ nguồn gốc, nhập hóa chất độc hại… “Trên cơ sở đó, kiên quyết xử lý những đối tượng kinh doanh trái phép. Đối với trường hợp tái phạm nhập hóa chất lậu, Sở Công Thương cần rút phép ngay chứ không chỉ xử phạt” - ông Tuyến nhấn mạnh.
Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, thời gian dự kiến xây dựng trung tâm kinh doanh hóa chất, hương liệu là 9 tháng (từ tháng 3-11/2017) và đến tháng 12/2017, trung tâm này sẽ được đưa vào sử dụng. |