Dự thảo xét tuyển ngành giáo viên: Thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng

Theo Quy chế tuyển sinh chính quy trình độ đại học; trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên, thí sinh không bị giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển, điểm xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1.
Dự thảo không giới hạn nguyện vọng xét tuyển của thí sinh

Vừa qua, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã đưa ra Dự thảo Quy chế tuyển sinh chính quy trình độ đại học; trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên. Theo đó, dự thảo quy chế này áp dụng đối với các đại học, học sinh, trường đại học, các trường cao đẳng đào tạo giáo viên.

Dành ít nhất 25% chỉ tiêu để xét tuyển cho một ngành truyền thống

Theo Dự thảo, Bộ GD-ĐT yêu cầu những trường sử dụng tổ hợp các môn thi/bài thi mới ngoài các khối thi truyền thống (khối thi mà trường đã sử dụng từ năm 2014 trở về trước) để xét tuyển cho một ngành cần dành ít nhất 25% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các khối thi truyền thống. Quy định này chỉ thực hiện trong năm 2017.

Không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi/ bài thi để xét tuyển

Dự thảo cũng quy định, việc thêm các tổ hợp môn thi/bài thi mới để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc: Sử dụng kết quả của 3 môn thi/bài thi, trong đó có ít nhất một trong hai môn thi độc lập Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các môn thi/bài thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi/ bài thi để xét tuyển cho một ngành;

Đối với các trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó, có ít nhất một bài thi Toán hoặc Ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển. 

Không giới hạn nguyện vọng xét tuyển

Theo đó, thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). 

Trong đợt 1, đối với các trường, ngành thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký (trừ những trường hợp cùng mức điểm xét tuyển ở cuối danh sách xét trúng tuyển). Đối với mỗi thí sinh, xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Nếu có các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển đối với thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng ưu tiên cao hơn và theo các điều kiện phụ mỗi trường đã thông báo. 

Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác bổ sung.

Việc xét tuyển sẽ được tổ chức thành một đợt chính (gọi là đợt 1) và các đợt bổ sung. Để xét tuyển đợt 1, thí sinh nộp phiếu đăng ký xét tuyển cùng với hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia. Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trong thời hạn quy định, bằng phương thức trực tuyến.

Việc xét tuyển các đợt bổ sung do các trường tự quyết định thực hiện một lần hay nhiều lần. Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường và số thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học tại trường sau xét tuyển đợt 1, Hội đồng tuyển sinh trường xem xét, quyết định các nội dung xét tuyển bổ sung. Sau đó các trường thông báo điều kiện xét tuyển bổ sung, lịch xét tuyển. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1. Thí sinh chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào có thể thực hiện đăng ký xét tuyển bổ sung.

Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận