![]() |
Cầu Vàng - điểm đến yêu thích của du khách |
Sức hút từ chiều sâu văn hóa
Chương trình biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” tại Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An giới thiệu lịch sử, văn hóa, du lịch Hội An vừa ra mắt công chúng mới đây đã tạo ấn tượng sâu sắc với du khách, nhận được đánh giá cao từ cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý du lịch. Đặc biệt, Tổng cục Du lịch nhận định, sản phẩm này hội tụ nhiều hoạt động tương tác với văn hóa bản địa, mang tính giáo dục, cảm xúc với điểm đến; là sản phẩm tiêu biểu, tiên phong trong phát triển các sản phẩm du lịch sáng tạo.
Theo xu hướng mới của thế giới cũng như khu vực, hiện đã có một số doanh nghiệp tiên phong xây dựng dòng sản phẩm sáng tạo làm cầu nối đưa văn hóa Việt gần hơn với du khách, tạo sức hút cho du lịch. Đặc biệt, một số địa phương còn xuất hiện nhiều công trình, sản phẩm tạo “cơn sốt” du lịch, check in như cây cầu Vàng (Bà Nà, Đà Nẵng) - công trình kiến trúc độc đáo đang là niềm khao khát được trải nghiệm của nhiều người.
Du lịch sáng tạo là cách thức để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, Việt Nam có nhiều điều kiện và cơ hội để phát triển du lịch sáng tạo. Mặt khác, phát triển du lịch sáng tạo là yêu cầu bức thiết nhằm đa dạng hóa hệ thống, gia tăng giá trị sản phẩm du lịch; nâng cao khả năng cạnh tranh cho du lịch Việt Nam. Qua đó, bảo tồn các giá trị văn hóa, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch với thương hiệu độc đáo…
Triển vọng lạc quan
7 tháng đầu năm 2018, ngành du lịch tiếp nối đà tăng trưởng, đón 9 triệu lượt khách quốc tế. Đây là kết quả thể hiện những đổi thay trong phát triển theo chiều sâu, đầu tư chất lượng sản phẩm, dịch vụ; môi trường du lịch ngày được quản lý chặt chẽ; nâng cao tính chuyên nghiệp, khả năng cạnh tranh của các trọng điểm du lịch. Trên cơ sở này, cùng với cơ chế, chính sách thuận lợi, Tổng cục Du lịch dự báo, năm 2018, ngành du lịch tiếp tục tận dụng cơ hội để tăng trưởng tốt, với lượng khách tăng khoảng 22 - 24%, tổng thu từ khách du lịch tăng từ 16 - 18% so với năm 2017.
Tuy nhiên, muốn hiện thực hóa mục tiêu đó, ngành du lịch hiện phải vượt qua không ít thách thức. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho biết, Tổng cục đã tham mưu cho Chính phủ về tái cơ cấu du lịch, xây dựng chiến lược phát triển theo 4 định hướng với các dòng sản phẩm chủ đạo; đặc biệt khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp, địa phương xây dựng sản phẩm du lịch sáng tạo khai thác chiều sâu truyền thống văn hóa… “Định hướng này là cơ sở để các địa phương kêu gọi đầu tư, khai thác, xây dựng sản phẩm phù hợp với xu hướng, nhu cầu của thị trường. Qua đó, từng bước thực hiện mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn mà Nghị quyết 08/TW của Bộ Chính trị đã đề ra”- ông Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.
Để doanh nghiệp, địa phương xây dựng được sản phẩm du lịch sáng tạo hấp dẫn, tạo được hiệu ứng và sức lan tỏa mạnh mẽ, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam chỉ ra rằng, chúng ta cần có cơ chê, chính sách khuyến khích dành cho các doanh nghiệp du lịch sáng tạo; đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ vừa khởi nghiệp ứng dụng công nghệ, khoa học, tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo; thường xuyên tổ chức hội chợ, hội thảo, phát động các cuộc thi phát triển du lịch sáng tạo trên toàn quốc… nhằm nâng cao sức hấp dẫn cho du lịch Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Tuấn- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Du lịch sáng tạo là một trong những hướng đi quan trọng để tái cơ cấu ngành du lịch sau khi Quốc hội thông qua Luật Du lịch và Bộ Chính trị ra Nghị quyết 08/TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. |