Doosan Vina: Nâng vị thế ngành cơ khí Việt Nam

Sau 10 năm quyết định đầu tư vào Quảng Ngãi - địa phương có lợi thế về cảng biển nước sâu rất thuận lợi cho phát triển cơ khí và công nghiệp nặng, Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Doosan Vina) đã có đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu công nghiệp của địa phương; đồng thời góp phần nâng cao vị thế ngành cơ khí của Việt Nam. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Yeon In Jung - Tổng giám đốc Doosan Vina - về vấn đề này.
\"\"
8 cẩu trục bốc dỡ hàng hóa mang thương hiệu “Made in Vietnam” của Doosan Vina được xuất đến Ả Rập Xê Út

Doosan Vina không chỉ là niềm tự hào của Quảng Ngãi mà còn của ngành cơ khí ở Việt Nam, cơ sở để có những thành công đó là gì, thưa ông?

Doosan Vina được xây dựng trên diện tích 110ha tại Khu kinh tế Dung Quất với vốn đầu tư 300 triệu USD, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các thiết bị công nghiệp nặng như: Nồi hơi cho các nhà máy nhiệt điện, cẩu trục bốc dỡ hàng cho các hệ thống cảng biển và thiết bị xử lý nước biển thành nước ngọt sinh hoạt. Sau 10 năm đầu tư ở Quảng Ngãi, chúng tôi có thể khẳng định, đó là những năm thành công của Doosan Vina khi đã thực hiện hơn 197 dự án với tổng giá trị hàng tỷ USD, tổng trọng lượng quy đổi khoảng 350.000 tấn và được xuất khẩu đến 28 quốc gia trên thế giới. Những thành công đó không chỉ cho riêng Doosan Vina, mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi.

\"\"

Ông Yeon In Jung - Tổng giám đốc Doosan Vina

Có được thành công này là bởi chúng tôi nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan, ban, ngành của Quảng Ngãi trong những vấn đề như: Cấp giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư, cung cấp đào tạo nguồn nhân lực, các chế độ, chính sách, thủ tục hành chính... Bên cạnh đó, tôi cho rằng, lĩnh vực mà Doosan Vina đang đầu tư là lĩnh vực đặc thù về phát triển nền tảng hạ tầng công nghiệp điện cũng như công nghiệp cơ khí tại Việt Nam. Điều đó như một sứ mệnh để góp phần phát triển công nghiệp nặng ở Việt Nam.

Cùng với đó, Doosan Vina cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ công ty mẹ, bởi lĩnh vực công nghiệp nặng khác biệt nên đòi hỏi chuyển giao kỹ thuật phải kiên trì và quản lý năng lực, chất lượng chặt chẽ. Doosan Vina được coi là một cứ điểm sản xuất quan trọng ở Việt Nam để cung cấp sản phẩm trên toàn cầu - đó chính là lý do mà công ty mẹ đã hết sức hỗ trợ, tạo điều kiện. Tất cả những điều này đã góp phần vào thành công của Doosan Vina.

Ông đánh giá như thế nào về đóng góp của Doosan Vina với sự phát triển tại địa phương và ngành công nghiệp nặng của Việt Nam?

Cách đây 10 năm, chúng tôi đến Quảng Ngãi đầu tư, khi đó người dân ở đây chủ yếu làm nông nghiệp. Thông qua tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực Doosan Vina đã đóng góp phát triển nguồn nhân lực tại địa phương và ngược lại trong suốt 10 năm qua, người lao động đã luôn đồng hành và giúp Doosan Vina thành công.

Từ khi đi vào vận hành (năm 2009) đến nay, Doosan Vina đã xuất khẩu sản phẩm với tổng trị giá hơn 2,4 tỷ USD tới hơn 28 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, riêng năm 2016 là 200 triệu USD, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Quảng Ngãi.

Ở tầm quốc gia, những sản phẩm do Doosan Vina sản xuất và xuất khẩu đều mang nhãn hiệu “Made in Vietnam”. Với nhiệt điện là lĩnh vực chủ lực của Doosan Vina, trong suốt thời gian hoạt động tại đây, thiết bị được sản xuất quy ra điện là 11,180 MW; trong đó 4,000 MW được cung cấp cho các nhà máy tại Việt Nam như: Mông Dương 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng và Sông Hậu 1.

Bên cạnh đó, với lĩnh vực sản xuất thiết bị khử mặn lọc nước biển thành nước ngọt, Doosan Vina đã hỗ trợ thiết bị này cho đảo nhỏ An Bình với tổng giá trị 1 triệu USD, giúp cho 500 người dân có nước ngọt sử dụng. Máy lọc nước biển này có trọng lượng 3.300 tấn, có quy mô bằng 1 sân bóng đá được Doosan Vina sản xuất thành 1 modun và xuất qua cảng chuyên dụng của Doosan Vina.

Riêng đối với sản phẩm cẩu bốc dỡ container ngoài biển, công ty đã sản xuất được 65 chiếc, trong số đó có 6 chiếc cho thị trường Việt Nam. Đặc biệt, năm 2016, Doosan Vina đã ký kết hợp đồng cung ứng 20 cẩu trục; trong đó có 8 cẩu trục đã được hoàn thành và xuất cho Ả Rập Xê Út và 12 cẩu trục còn lại đang được Doosan Vina chế tạo, lắp ráp cho Ấn Độ.

\"\"
Ông Yeon In Jung, Tổng giám đốc Doosan Vina thăm hỏi bệnh nhân tại Chương trình Y tế từ thiện thường niên do Doosan Vina phối hợp với Bệnh viện Đại học Chung Ang (Hàn Quốc)

Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, vậy ông có lời khuyên gì cho Việt Nam trước những thách thức mới?

Đặc trưng của lĩnh vực cơ khí, đặc biệt là cơ khí công nghiệp nặng, chính là chất lượng sản phẩm phải được đánh giá rất cao để có thể tham gia sản xuất. Do đó, Việt Nam cần có một tổ chức và nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng của các sản phẩm. Để làm được điều này, cách duy nhất là Việt Nam cần tăng tỷ lệ nội địa hóa, lựa chọn một số dự án trọng điểm trong nước cho một vài doanh nghiệp tham gia. Đã có nhiều sản phẩm sản xuất được trong nước, nhưng Việt Nam vẫn nhập khẩu, như vậy rất khó cho các doanh nghiệp học tập kinh nghiệm cũng như tiếp cận công nghệ, trình độ sản xuất cao.

Hơn nữa, thay vì chúng ta chỉ quan tâm làm một sản phẩm hoàn chỉnh thì các doanh nghiệp Việt Nam hãy tham gia vào từng quy trình, làm từng chi tiết của một sản phẩm. Và quan trọng, chúng ta nên nuôi dưỡng những doanh nghiệp tham gia vào sản xuất từng phần của sản phẩm và khi họ đủ năng lực, tôi tin chắc rằng các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam sẽ đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận