Có điều kiện đi nhiều vùng biên giới, lên với các cửa khẩu và khu kinh tế biên mậu trên cả nước… một điều dễ cảm nhận đó là bộ mặt, hạ tầng thương mại khu vực biên giới đã nhiều thay đổi tích cực với những trung tâm thương mại mọc lên, cửa khẩu với bến bãi, kho vận khang trang. Tùy thuộc vào chính sách thay đổi của mỗi bên hay hàng hóa lúc nhiều lúc ít, tuy nhiên một điều thấy rõ và có thể khẳng định, phát triển kinh tế biên mậu, thương mại biên giới đã tác động tích cực đến cư dân, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy sản xuất nông sản, giao thương, nâng cao đời sống… Thương mại biên giới đã thực sự trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội những địa bàn biên giới.
![]() |
Hiện trên toàn tuyến biên giới với các nước láng giềng đã hình thành 24 cửa khẩu quốc tế, 26 cửa khẩu chính, 86 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở; được đầu tư xây dựng 28 khu kinh tế cửa khẩu và 295 chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Việc ký kết các hiệp định, thỏa thuận hợp tác về thương mại, cụ thể là Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Lào (năm 2015); Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc (năm 2016) và một loạt thỏa thuận hợp tác thương mại với Campuchia đã tạo nền tảng pháp lý đi kèm với những chính sách hỗ trợ thúc đẩy thương mại biên giới Việt Nam phát triển.
Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới hiện nay đạt khoảng 30 tỷ đô-la Mỹ/năm, tăng bình quân trên 20%/năm. Trong đó, tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc chiếm khoảng 85%, tuyến biên giới Việt - Lào chiếm gần 5% và tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia chiếm trên 10% tổng giá trị kim ngạch.
Hiện, tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc có 32 cặp cửa khẩu (7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính và 19 cửa khẩu phụ). Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung hằng năm đều tăng mạnh trên bình diện tăng trưởng nhanh kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.
![]() |
Phát triển thương mại biên giới tạo việc làm cho bà con |
Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Lào được ký kết tháng 6/2015 đã tạo hành lang pháp lý, tạo cơ hội tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và dịch vụ hỗ trợ thương mại tại khu vực biên giới. Trên đà phát triển chung, quan hệ thương mại Việt Nam - Campuchia cũng đã có bước tăng trưởng tích cực…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thương mại biên giới vẫn còn tồn tại một số hạn chế như hệ thống kho bãi tại một số cửa khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là hệ thống kho lạnh, kho mát chưa được đầu tư. Việc mua bán, trao đổi một số mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam vẫn theo hình thức đi chợ, không có hợp đồng mua bán. Dịch vụ thanh toán còn nhiều bất cập, gây rủi ro cho doanh nghiệp. Đây là những vấn đề mà trong thời gian tới cần tiếp tục giải quyết, tháo gỡ nhằm phát triển thương mại biên giới xứng với tiềm năng.