Dòng họ Dương ở làng Hà Lỗ
Chính luận 3510:54 | 21/02/2025Theo dõi Congthuong.vn trên
“Dòng họ Dương ở làng Hà Lỗ” là nhan đề bài viết của tác giả, nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, trân trọng kính mời quý vị cùng lắng nghe.
Bài viết:
Không gian dưới mái nhà ngói cổ trầm mặc mầu quá vãng và thơm ngát khói hương. Những câu chuyện của năm bẩy trăm năm trước đang lần lượt hiện về theo dòng hồi ức của các vị hậu duệ cao niên trong dòng họ.
Vị tiến sĩ khai khoa của dòng họ Dương ở Hà Lỗ chính là Dương Văn Đán, ông đỗ đệ nhị giáp, tiến sĩ xuất thân, tức Hoàng Giáp vào năm Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận đời vua Lê Thánh Tông, năm 1463. Hoàng giáp Dương Văn Đán đã từng được nhà vua cử đi sứ nhà Minh và được bổ làm quan đến chức Tham chính sứ, chức quan phụ trách hành chính thứ hai tương đương như phó chủ tịch một tỉnh thành lớn giờ đây.
Đầu tháng Ba âm lịch, những làn nắng non tơ mới mẻ còn chưa kịp xua tan những cơn mưa phùn ẩm ướt.
Đất trời xứ Bắc dường như đang ngây ngất trong một bầu hương thơm dịu dàng, thanh khiết của hoa bưởi, hoa cam, hoa nhãn, hoa xoan.
Những ngõ xóm trong ngôi làng cổ Hà Lỗ đâu đó còn vương vấn phong vị của những ngày hội làng mùa xuân chưa qua in trên những dây cờ hoa phấp phới chăng ngang trên cao và cổng ngõ nhà ai còn dán hình những câu chữ đại tự giấy trang kim lấp lánh chào đón năm mới chưa hề phai sắc.
![]() |
Đình Hà Lỗ |
Những cảnh tượng ấy khiến cho lòng người không khỏi xốn xang. Nhất là với những người khách gốc thị thành.
Bấy lâu theo đuổi mảng đề tài danh nhân Thăng Long Hà Nội, nhà văn, nhà báo cao niên Lý Khắc Cung đã từng đặt chân đến hàng ngàn ngõ phố và các làng xã nội ngoại thành với một niềm đam mê chưa bao giờ vơi cạn. Bộ complett chỉnh chện, chiếc mũ phớt đội nghiêng trên đầu, nhà văn đang theo chân vị cán bộ phụ trách văn hóa xã bước nhanh trên con đường làng rộng rãi, phong quang.
Xóm Đông. Thôn Hà Lỗ.
Lối ngõ gạch hằn in dấu thời gian và mưa nắng.
Nóc mái những ngôi nhà vẫn mang dáng dấp như tự trăm năm trước. Mái ngói vẩy cá sẫm màu, tường hoa, sân gạch.
Hà Lỗ mang tên nôm là kẻ Giỗ, vốn là một ngôi làng cổ thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc xưa, một vùng đất nồi danh văn hiến trong lịch sử đất nước
Bước sang những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Hà Lỗ mới chia thành ba thôn là Hà Lỗ, Hà Phong và Hà Hương, đều thuộc xã Liên Hà, huyện Đông Anh ngoại thành Hà Nội
Đây là nơi toạ lạc của ngôi nhà thờ tổ họ Dương ở thôn Hà Lỗ.
Không gian dưới mái nhà ngói cổ trầm mặc mầu quá vãng và thơm ngát khói hương.
Những câu chuyện của năm bẩy trăm năm trước đang lần lượt hiện về theo dòng hồi ức của các vị hậu duệ cao niên trong dòng họ.
Vị tiến sĩ khai khoa của dòng họ Dương ở Hà Lỗ chính là Dương Văn Đán, ông đỗ đệ nhị giáp, tiến sĩ xuất thân, tức Hoàng Giáp vào năm Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận đời vua Lê Thánh Tông, năm 1463. Hoàng giáp Dương Văn Đán đã từng được nhà vua cử đi sứ nhà Minh và được bổ làm quan đến chức Tham chính sứ, chức quan phụ trách hành chính thứ hai tương đương như phố chủ tịch một tỉnh thành lớn giờ đây.
Cuộc gặp gỡ với nhà văn, nhà báo Lý Khắc Cung cũng chính là một địp để con cháu họ Dương hôm nay cùng nhắc nhớ lại truyền thống vẻ vang của các bậc tiền nhân trong dòng họ. Thật xúc động khi được nghe nhà văn Lý Khắc Cung đọc lại đôi câu đối cộ trên hai cây cột trước ban thờ:
- Tiến sĩ xuất thân thi lễ bách niên truyền dị diệp
Đại tông Dương tộc đăng hỏa đăng hương thiên tải diễn chi lưu
Có nghĩa là:
Xuất thân tiến sĩ, truyền thống thi lễ trăm năm truyền trên lá đẹp
Đại tông Dương tộc hương hỏa nghìn đời chảy mãi theo dòng xuôi.
Ngôi nhà thờ chi Giáp, tức chi trưởng họ Dương đặt tại xóm Chùa, thôn Hà Phong kế bên, xưa cùng thuộc đất làng Hà Lỗ. Mái ngói lô xô, cửa bức bàn cũ kỹ dáng vẻ khiêm nhường, giản dị.
Thế nhưng các bậc tiền nhân của dòng họ được phụng thờ tại nơi đây từng đã làm nên một sự nghiệp hiển hách để lại tiếng vang lưu truyền sử sách và làm rạng danh quê cha đất Tổ.
Con trai của tiến sĩ Dương Đán là Dương Bính. Ông thi đỗ đệ tam giáp, đồng tiến sĩ xuất thân vào khoa thi năm Bính Tuất, niên hiệu Hồng Đức, năm 1478, tuy khác niên hiệu song cùng thuộc triều vua Lê Thánh Tông với khoa thi của người cha mình.
Nối bước cha, và vượt hơn cha, ông được bổ làm quan đến chức Thừa chính sứ, tức là đứng đầu một Thừa tuyên thời Lê Giáp bảng.
Truyền đăng khai hậu duệ
Thu vi tiếp vũ địch tiền quang
(Đời trước khai khoa làm rạng rỡ
Cháu con nối tiếp được lưu truyền)
Còn đây là nơi phụng thờ tiến sĩ Dương Cảo, một trong những danh nhân xuất sắc trong lịch sử Thăng Long Hà Nội. Ông thuộc chi thứ của dòng họ Dương ở làng Hà Lỗ.
Những hàng câu đối cũ kỹ đã phai lạt sắc vàng son nhưng dường như vẫn lung linh tỏả rạng những đốm sáng lấp lánh từ một thời quá khứ xa xưa
Giáp bảng trùng hoa tiên tổ liệt
Thất chi trường ấm hậu giai mưu
(Giáp bảng vinh hoa tổ tiên một thời oanh liệt
Phúc ấm dài lâu, bảy chi hậu thế được cơ mưu)
Dương Cảo thi đỗ tiến sĩ, ngôi vị Hoàng Giáp, niên hiệu Vĩnh Tộ, triều vua Lê Thần Tông và được bổ làm tế tửu Quốc Tử Giám.
Sự tích đi thi và đậu bảng của ông cũng khá li kỳ, thậm chí hơi có vẻ huyền hoặc, song lại là sự thật đã được ghi trong sử sách.
Ông Dương Văn Nghiên, hậu duệ của tiến sĩ Dương Cảo vẫn nhớ như in
- Cụ tôi là cụ em đi theo hộ tống cụ anh đi thi. Chẳng may cụ anh bị cảm nặng mất đột ngột. Cụ em lúc bấy giờ sáng trí thế vào tên cụ anh để vào thi dù lúc ở nhà chưa hê thi qua cử nhân tú tài, chỉ là một người học trò bình thường gọi là sinh đồ. Vậy mà khi vào đến vòng thi hội thi đình, thì cụ em nhà tôi lại đỗ trên hết cả. Vua thấy trường hợp quá đặc biệt mới ban cho một câu: Tư nhân, tư tài, tư kỳ ngộ, có nghĩa là chưa hề gặp gỡ người tài nào đặc biệt như thế và ban cho thêm lời khen tặng truyền đời: Sinh đồ bất túc, Tiến sĩ hữu dư, có nghĩa là sinh đồ chửa học xong mà trình độ còn hơn tiến sĩ. Sau đó, cụ em nhà tôi tức là Tiến sĩ Dương Cảo được vua Lê Thần Tông giữ lại triều đình dạy học cho các hoàng tử con vua.
Với hàng chục đầu sách viết về lịch sử văn hoá, phong tục tập quán, danh nhân, đặc sản Hà Nội, nhà văn Lý Khắc Cung vẫn đang tiếp tục cuộc hành trình riêng tiến tới mốc dấu kỷ niệm ngàn năm Thăng Long. Kiểm chứng lại những tư liệu thu thập được trước khi đặt bút viết một để tài mới, đó là thói quen bất di bất dịch của những người cầm bút chân chính xưa và nay. Xách chiếc cặp da dày cộp bước chéo qua lối ngăn giữa hai nhà bia Văn Miếu - Hà Nội, nhà văn Lý Khắc Cung đã tìm tới được dãy bia cần tìm đến.
Ba tấm bia nằm không mấy cách xa nhau trong dãy nhà bia cánh tả của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Mỗi tấm ghi tên một bậc tiền nhân trong họ Dương ở làng Hà Lỗ đã từng đỗ đại khoa qua các kỳ thi trong thời kỳ nho học thịnh phát của đất nước. Dương Đán, Dương Bính và Dương Cảo.
Và đây là tấm bia được đánh số 32 trong 82 tấm văn bia Quốc Tử Giám. Trong đó, ghi tên vị tiến sĩ có sự nghiệp vẻ vang nhất trong dòng họ, đó chính là tiến sĩ Dương Cảo. Ông đỗ ngôi vị hoàng giáp khoa thi năm Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ 1628, đời vua Lê Thần Tông và được bổ làm quan đến chức Tế tửu Quốc Tử Giám, tức là đứng đầu trường đại học duy nhất của đất nước được đặt chính tại địa danh này. Tên của tiến sĩ Dương Cảo người gốc làng Hà Lỗ được đặt kề cận tên tiến sĩ Giang Văn Minh, người gốc làng Đường Lâm, một vị sứ thần nồi danh trong lịch sử nước Nam)
Nhà văn Lý Khắc Cung xoa nhẹ tay lên mặt bia, đọc rõ những dòng chữ Hán khắc trên tấm bia và bảy tỏ lòng thán phục:
- Đây là tấm bia niên hiệu Vĩnh Tộ 1628 đời Lê Thần Tông. Bia này khắc tên nhiều vị tiến sĩ đỗ đại khoa kỳ thi ấy. Nhưng nổi bật nhất là tên tuổi hai vị. Một là hoàng giáp Dương Cảo người làngHà Lỗ sau trở thành quan Tế tửu Quốc Tử Giám, nghĩa như là vị hiệu trưởng trông coi việc quản lý lễ nghi của trường đại học quốc gia duy nhất của đất nước hồi ấy. Như vậy là vị thế rất quan trọng, không hề giản đơn.
Trong cuốn sách Các làng khoa bảng Thăng Long Hà Nội xuất bản năm 2004 của PGS - Tiến sĩ Bùi Xuân Đính, Viện Dân tộc học, thì sau các làng Đông Ngạc, Tả Thanh Oai, Nguyệt Áng, Phú Thị, Thượng Yên Quyết, Hạ Yên Quyết, hai làng Vân Điềm và làng Hà Lỗ thuộc huyện Đông Ngàn cũ, nay là huyện Đông Anh đều được xếp hạng ngang bằng nhau ở vị trí số 7. Và mỗi làng đều có 7 vị tiến sĩ nho học đỗ đạt qua các triều đại phong kiến Việt Nam. Trong đó, họ Dương lại chiếm 3 trong số 7 vị tiến sĩ của làng Hà Lỗ. Ngoài ra, còn có một số vị đỗ trung khoa và tiểu khoa cũng được triều đình bổ làm quan hoặc ở nhà mở trường dạy học.
Trải hàng trăm năm đất nước lâm cảnh chiến tranh giặc giã liên miên, truyền thống khoa bảng của dòng họ Dương Hà Lố cũng đứt nối đôi lần. Nhưng tinh thần hiếu học vẫn như một mạch ngầm luôn luôn tuôn chảy trong dòng máu người họ Dương. Trong gia phả của dòng họ nay vẫn còn chép câu chuyện vượt khó, theo đuổi con đường học vấn của vị cử nhân Nho học cuối cùng là Dương Tuấn Duy. Trong vòng 5 năm, nào cha mẹ bệnh nặng rồi khuất núi, nào chú thím đỡ đầu lần lượt nằm xuống, nào con trai yểu mệnh, anh trai mắc vòng kiện tụng, gia cảnh sa sút, ông vẫn vừa lo toan việc nhà vừa tiếp tục đèn sách lều chõng đi thi theo đúng ước nguyện của cả dòng tộc cử nhân Dương Tuấn Duy, thi đỗ năm Đinh Dậu, triều vua Thành Thái nhà Nguyễn 1897. Cụ Dương Văn Quyến, hậu duệ của cử nhân Dương Tuấn Duy nay đã ngoại tuổi tám mươi trân trọng lau chỉ lên tấm bằng ghi công của chính phủ phong tặng cử nhân Dương Tuấn Duy đã có công nuôi giấu cán bộ cách mạng từ thời kỳ tiền khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám năm 1945:
- Cái năm cụ tôi thi đỗ cử nhân thì cụ tôi đã vào tuổi 36. Thi đỗ xong được chính quyền bảo hộ Pháp bổ đi làm quan ngay. Nhưng cụ tôi lấy cớ gia đình khó khăn xin khước quan ở nhà mở trường dạy học. Học trò các vùng xung quanh theo học rất đông, có lúc đông nhất là gần 200 người. Rất nhiều học trò của cụ sau đó đã học thành tài thành danh.
Rời quân ngũ trở về học đại học rồi tiếp tục làm luận văn tiến sĩ, nhà giáo Dương Văn Thịnh nay đang nắm giữ cương vị chủ nhiệm khoa triết học Trường Đại học Khoa học nhân văn thuộc Đại học quốc gia Hà Nội. Sau những giờ lên lớp cho sinh viên về những vấn đề thuộc một lĩnh vực được coi là cao siêu hơn cả so với các lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội khác, vị tiến sĩ triết học họ Dương cũng không xa rời những điều vốn dĩ rất gần gũi với cuộc sống tinh thần của con người. Theo tiến sĩ Dương Văn Thịnh thì điều gì là quan trọng nhất về mặt tinh thần mà ông đem theo trong suốt cả một chặng đường dài nghiên cứu và giảng dạy?
- Tôi rất tự hào và yêu quý nghề dạy học truyền đời của gia tộc học Dương. Từ cụ tôi cho tới ông cha tôi rồi đến anh chị em chúng tôi, cả vợ tôi cũng theo nghề dạy học. Truyền thống gia đình dòng tộc nó tác động đến con người rất sâu sắc mặc dù đôi khi nó không hề hiển hiện. Nó bắt ta phải cân nhắc mỗi khi hành xử trước bất cứ vấn đề gì, nhắc nhở ta rằng làm điều gì cũng phải nghĩ là có phù hợp với truyền thống hoặc có ảnh hưởng gì đến truyền thống hay không? Và mỗi khi gặp bất cứ khó khăn ngáng trở nào, truyền thống cũng khiến ta có thêm nghị lực phấn đấu hết mức để vượt qua và tiến tới mục đích cao nhất. Tôi nghĩ là giáo dục truyền thống và có ý thức về truyền thống gia đình, dòng họ, quê hương, và cả dân tộc là rất quan trọng, nhất là trong việc hình thành nhân cách con người trong thời đại mới.
Liên Hà trong những năm đất nước và thành phố bước vào thời kỳ đổi mới và phát triển may mắn vẫn còn giữ được những dáng nét thần thương của một những ngôi làng cổ cùng những nề nếp làm ăn sinh sống thuần hậu, ấm êm trong cộng đồng cư dân cùng với truyền thống cần cù, hiếu học.
Ngôi nhà nằm ngay mặt phố chợ Liên Hà này của gia đình kỹ sư Dương Quang Trung còn đang thơm mùi vôi mới. Trong nhà đầy đủ tiện nghi phục vụ cho cuộc sống và thiết bị cho học tập, nghiên cứu. Tốt nghiệp đại học Bách khoa và trở về công tác ngay tại huyện nhà, giờ đây, ở độ tuổi xấp xỉ tam thập, tam thập nhi lập, chàng trai này cũng đang đặt kế hoạch phấn đấu nâng cao học vấn cho cho chính bản thân mình trong một tương lai gần. Lớp con cháu họ Dương trưởng thành trong những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI ngay ở quê hương Liên Hà đã và đang có thêm những điều kiện tốt đẹp hơn để có thể biến những ước mơ và khát vọng của cha anh và của chính bản thân mình trở thành hiện thực.
Kỹ sư Dương Quang Trung nhiệt huyết bày tỏ ý nguyện phấn đấu cho tương lai:
- Ngày xưa ông cha điều kiện kinh tế còn rất khó khăn mà đã nêu gương hiếu học rạng danh dòng họ. Nay lớp cháu con chúng tôi đã có một cuộc sống sung túc đủ đầy hơn trước rất nhiều.
Nhưng tôi vẫn quyết tâm dành dụm tiền của và thời gian để rồi sẽ tiếp tục học tập, nghiên cứu. Tôi rất thấm nhầu tinh thần: Học, học nữa, học mãi.
Cuốn sách Liên Hà, truyền thống lịch sử văn hóa và Cách mạng có một vài tấm bảng liệt kê tên tuổi các liệt sĩ đã hy sinh trong những cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc ở thế kỷ XX. Chỉ tính riêng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, trong tổng số 39 liệt sĩ của làng Hà Lỗ, đã có tới 26 vị là người thuộc dòng họ Dương.
Đó là những con số ngập ứ máu và nước mắt.
Và nỗi đau này không phải của riêng mỗi gia đình, dòng họ.
Nghĩa trang xã Liên Hà nằm bên cánh đồng lúa xuân đang vào thì con gái xanh non.
Cỏ dù đã thắm tươi trên những ngôi mộ cũ.
Những hạt sương đêm đọng ánh nắng ban mai long lanh, lóng lánh.
Dường như đêm đêm, nước mắt của Trời và Đất vẫn thầm rơi.
Có lẽ bởi thế, nhân gian ngàn đời vẫn hằng đón đợi những giây phút thần diệu đầu tiên của một ngày mới.
Thấm thoắt trên bốn mươi năm đã qua kể từ ngày Đại thắng huy hoàng, non sông liền một dải, xóm thôn no ấm yên vui. Những người con bất khuất của đất mẹ Liên Hà hẳn đã ngậm cười nơi chín suối.
Những ngày cuối tháng tư là những thời khắc vô cùng thiêng liêng kỷ niệm ngày giải phóng thống nhất đất nước.
Dịp lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước cũng trùng với kỳ lễ thanh minh của người dân đất Việt.
Khắp nghĩa trang Liên Hà rạng rỡ sắc nến hoa và thơm ngát hương nhang.
Thăm viếng những người anh em họ hàng cùng huyết tộc, song người họ Dương không quên dành những những nén hương thơm trân trọng thắp lên bên trên những ngôi mộ của những liệt sĩ đồng hương trong những dòng họ xóm giềng, những dòng họ đã cùng dòng họ Dương viết nên những trang sử vàng truyền thống học hành khoa bảng, văn võ toàn tài cũng như truyền thống xây dựng và bảo vệ tổ quốc của vùng đất quê Liên Hà, Đông Anh.
Tham gia đoàn viếng nghĩa trang hôm nay có cả ông Dương Văn Quỳnh, bí thư chi bộ thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà, huyện Đông Anh. Ông xúc động bày tỏ:
- Dòng họ Dương là một dòng họ lớn ở địa phương, chiếm tới non nửa số dân thôn Hà Lỗ. Trong thời phong kiến thì dòng họ
Dương đã có nhiều vị đỗ đạt đại khoa cống hiến tài năng cho đất nước. Trong các cuộc kháng chiến cách mạng thì dòng họ Dương cũng đã có nhiều vì cán bộ lãnh đạo các cấp dẫn dắt các phong trào. Và cũng có nhiều sĩ quan chiến sĩ lên đường ra mặt trận rồi hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, phát huy truyền thống, bà con của dòng họ Dương cũng đã cùng với các dòng họ khác của địa phương chung tay xây dựng sự nghiệp kinh tế văn hóa phát triển. Hà Lỗ chúng tôi đã nhiều năm liền đạt danh hiệu Làng văn hóa cấp thành phố.
Thấm thoắt lại đã sắp đến ngày hội thi chim hòa bình truyền thống của làng quê Hà Lỗ. Những người con của dòng họ Dương lại tế tựu bên nhà thờ họ, trước là để lễ Tổ, sau là để cùng cụ trưởng họ chăm chút, sắp sửa cho đoàn chim dự tuyển.
Nắm thóc vung lên mái nhà, đàn chim vù vù đập cánh sà xuống thi nhau nhặt. Cảnh tượng thật ấm áp, an bình Thú chơi chim hào hoa của dòng họ Dương đã có từ bao giờ chẳng rõ. Thời nào cũng có những người rất đam mê và cũng đã từng giành được những giải cao trong các dịp hội làng, hội xứ Đông Ngàn xưa và thủ độ Hà Nội hôm nay.
Những đàn chim vỗ cánh bay vút lên bầu trời xanh thằm mang theo niềm khát vọng muôn đời không chỉ của những thế hệ người họ Dương Hà Lỗ mà là của tất thảy loài người trên thế gian.
Nội dung bài viết đến đây xin được tạm dừng, thân mến chào tạm biệt quý vị!