![]() |
Tây Bắc có điều kiện tự nhiên thích hợp để chăn nuôi bò |
Hướng đi mới cho giống bò siêu thịt
Đầu tháng 4/2017, Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) và UBND tỉnh Bắc Kạn đã ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện dự án “Phát triển bò thịt chất lượng cao thành hàng hóa theo chuỗi giá trị ở các tỉnh miền núi phía Bắc”. Theo thỏa thuận, Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Bắc sông Cầu Thái Nguyên sẽ triển khai dự án với chiến lược khôi phục và phát triển đàn bò Mông bản địa tại các tỉnh miền núi phía Bắc thành chuỗi sản xuất hàng hóa có giá trị cao trên thị trường, hướng tới xuất khẩu - tương tự như mô hình bò Kobe của Nhật Bản. Với thỏa thuận này, việc xây dựng Trung tâm Bảo tồn nguồn gen và Phát triển giống bò Mông đã được triển khai tại huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn vào tháng 8. UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đã cam kết sẽ bố trí cho doanh nghiệp tham gia dự án diện tích đất 15 héc-ta để triển khai xây dựng các hạng mục cơ bản.
Theo ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN, điều kiện Tây Bắc rất phù hợp chăn nuôi bò. Thực tế, hiện đang có tới 13 giống bò được nuôi tại các tỉnh này. Bò Tây Bắc được biết đến là một loại thực phẩm thơm ngon và giàu giá trị dinh dưỡng. Công việc chăn nuôi bò cũng đã giúp không ít đồng bào dân tộc thiểu số làm giàu. Tuy nhiên, đa phần người chăn nuôi bò vẫn nuôi kiểu tự phát, bán cả con, không có chỉ dẫn địa lý. Chính vì thế mà giá trị thịt bò chưa cao. Đặc biệt, giống bò Mông (hay còn gọi là bò u) là giống bò bản địa có từ rất lâu đời ở Bắc Kạn và một số khu vực miền núi phía Bắc... hoàn toàn có khả năng đưa vào sản xuất để trở thành hàng hóa mang thương hiệu quốc gia.
Với dự án này, Bộ KH&CN sẽ chịu trách nhiệm ứng dụng các công nghệ mới về giống, chăm sóc, thức ăn, thú y, công nghệ giết mổ và phối hợp với doanh nghiệp thuộc dự án (với hình thức đầu tư công – tư kết hợp) để xây dựng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thịt bò Mông, đồng thời xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết thêm với các hộ nông dân vệ tinh trong vùng miền núi phía Bắc để phát triển thành ngành hàng sản xuất quy mô lớn.
10 năm cho một quy trình chuẩn
Là một trong những người tham gia xây dựng dự án “Phát triển bò thịt chất lượng cao thành hàng hóa theo chuỗi giá trị ở miền núi phía Bắc”, Tiến sĩ Nguyễn Huy Cường (Bộ KH&CN) – cho biết: Sau khi thực hiện ở Bắc Kạn, dự án sẽ mở rộng mô hình sản xuất tương tự tại các tỉnh phía Bắc. Cần khoảng 10 năm để
xây dựng được một quy trình chuẩn từ: Phối giống – chăn nuôi – giết mổ đến xây dựng thương hiệu sản phẩm để cung cấp ra thị trường.
Cụ thể, dự án sẽ đầu tư xây dựng Trung tâm bảo tồn gen và phát triển giống bò Mông; đầu tư xây dựng khu nuôi vỗ béo, khu giết mổ tập trung, khu sản xuất thức ăn; đầu tư và hỗ trợ phát triển hệ thống vệ tinh (khoảng 800 - 1.000 hợp tác xã, tổ hợp tác, gia trại) chuyên nuôi bò sinh sản, bò thương phẩm. Việc nuôi bò tập trung, công nghiệp hóa sẽ giúp giảm lao động thủ công, tăng năng suất lao động, từ đó tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi, đồng thời tận dụng được nhiều loại nguyên liệu như: cỏ khô, cỏ ủ, ngũ cốc.
Dự kiến, chỉ sau 2,5 năm – 3 năm nuôi, mỗi con bò sẽ đạt trọng lượng từ 450 - 600kg, sản phẩm thịt bò có chỉ dẫn địa lý và thương hiệu đầy đủ chắc chắn sẽ cho nguồn thu lớn hơn nhiều so với cách nuôi thả truyền thống của đồng bào.
Để đảm bảo đầu ra cho bò nuôi của bà con, ông Nguyễn Quang Tiến – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển bò Mông, cho biết: Bà con sẽ nuôi bò trong 24 tháng, sau đó công ty sẽ mua về vỗ béo. Công ty đảm bảo sẽ ký hợp đồng bao tiêu 100% sản phẩm để đảm bảo quyền lợi cho bà con.
Dự án “Phát triển bò thịt chất lượng cao thành hàng hóa theo chuỗi giá trị ở miền núi phía Bắc” triển khai tại các tỉnh miền núi phía Bắc do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bò Mông làm chủ đầu tư với thời gian thực hiện 50 năm (2018 - 2068). |