![]() |
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải sát với nhu cầu thị trường |
Đào tạo nghề phải sát với nhu cầu của người dân
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, được xã hội đồng thuận cao và quan tâm, hưởng ứng tích cực. Sau 5 năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (còn gọi là Đề án 1956) đã có hơn 2,1 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, đạt 90,4% kế hoạch đề ra. Các lớp dạy nghề dài hạn bước đầu đã đáp ứng được tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điển hình như các lớp: sản xuất muối trải bạt, nuôi tôm, chăn nuôi heo, trồng lúa năng suất cao, kỹ thuật xây dựng, may công nghiệp… đã giúp nhiều gia đình áp dụng ngay vào sản xuất, tránh nhiều rủi ro, phát triển kinh tế gia đình. Các lớp đào tạo nghề ngắn hạn đã nâng cao trình độ tay nghề, tính kỷ luật, đáp ứng yêu cầu việc làm qua đào tạo. Đặc biệt chủ trương này còn đẩy mạnh từ hướng cung sang hướng cầu và hoàn thành các tiêu chí đào tạo nghề cho các địa phương đang xây dựng đề án nông thôn mới.
Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn được phân chia ra làm 2 lĩnh vực, đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trên lĩnh vực nghề nông nghiệp, các nghề sau khi học thường được ứng dụng vào sản xuất là nghề cạo mủ cao su, trồng, thu hái, chế biến cà phê, trồng cây lương thực, thực phẩm. Trên lĩnh vực phi nông nghiệp, các nghề sau khi học, người lao động thường có việc làm là nghề vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp, thợ nề. Còn nhiều nghề khác như nghề dệt thổ cẩm, may mặc, sửa xe máy… sau khi học, người lao động ít theo nghề và khó sống bằng nghề.
Chính vì vậy, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã định hướng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể. Đào tạo nghề phải đa dạng, cụ thể, sát nhu cầu của người dân vùng nông thôn, miền núi và thực tiễn sản xuất. Từ đào tạo một công đoạn, một kỹ năng nghề nhất định đến đào tạo cấp bằng, chứng chỉ nghề một cách đầy đủ, toàn diện. Chỉ tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và có khả năng thu nhập cao hơn sau học nghề. Đặc biệt, cần tăng cường công tác tư vấn đối với lao động nông thôn trong việc lựa chọn nghề để học và có điều kiện làm nghề sau khi học. Chú trọng việc thông tin, tuyên truyền trực tiếp cho lao động nông thôn trong quá trình đào tạo...
Phải diễn đạt để bà con dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm
Ngay cả việc đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, làm sao để người lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số áp dụng vào sản xuất một cách hiệu quả để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng không phải dễ. Theo nhiều chuyên gia, muốn làm tốt điều này, các cơ sở đào tạo nghề phải có những giảng viên có nhiều kinh nghiệm, có nhiệt huyết, có tâm với người lao động. Đặc biệt, giảng viên phải biết đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với đặc tính của đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu như các cơ sở đào tạo vẫn dạy theo hình thức cũ, lý thuyết nhiều hơn thực hành thì người lao động sau khi học xong sẽ không nhớ gì hết.
Các chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý, trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ở phần dạy lý thuyết cần phải định tính, định lượng cụ thể để bà con dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm. Điều này đòi hỏi giảng viên khi dạy nghề cho bà con phải cụ thể hóa, cô đọng lý thuyết, không dùng từ trừu tượng và dành nhiều thời gian cho thực hành. Ví dụ như việc đào tạo nghề cho người dân trồng cà phê, ở phần lý thuyết dạy bà con phải đào hố trồng cà phê sâu 30 cen-ti-mét thì giảng viên phải nói khoảng gần 3 gang tay (đo non gang tay 3 lần) thì bà con sẽ dễ hiểu hơn. Sau phần lý thuyết phải làm ngay phần thực hành, hướng dẫn từng người đào hố vì để lâu bà con sẽ quên.
Ở lĩnh vực phi nông nghiệp, việc đào tạo nghề cũng đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải khảo sát kỹ thị trường lao động, đầu ra cho sản phẩm… Bởi nếu như người lao động sau khi học nghề không tìm kiếm được việc làm thì việc đào tạo đó vừa gây lãng phí tiền của Nhà nước và mất công sức của người lao động.