Việt Nam hiện là thành viên của nhiều FTA thế hệ mới. Vấn đề lao động là một trong số các yếu tố mới được quy định trong các Hiệp định FTA. Những cam kết về lao động, công đoàn trong các FTA như vậy sẽ có tác động thế nào đối với tổ chức công đoàn, thưa ông?
![]() |
Ông Trần Quang Huy - Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam |
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia nhiều FTA, đặc biệt là một số FTA thế hệ mới, trong đó có các điều khoản về tôn trọng và thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Đáng chú ý, trong số các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia phải kể đến Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Trong các cam kết của Việt Nam khi tham gia các FTA thế hệ mới, đặc biệt là CPTPP, có vấn đề về tổ chức đại diện của NLĐ tại doanh nghiệp. Theo đó, trong doanh nghiệp có thể có các tổ chức đại diện của NLĐ. Tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp có thể thuộc hoặc không thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam hiện nay. Bởi vậy, thách thức lớn đặt ra là Công đoàn Việt Nam phải nỗ lực thu hút, giữ chân đoàn viên công đoàn ở cơ sở.
Điều này đặt ra yêu cầu thay đổi cơ bản nhận thức, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, giá trị cốt lõi, truyền thống của Công đoàn Việt Nam đã được hình thành và khẳng định trong thực tế hơn 90 năm qua. Nếu tổ chức Công đoàn Việt Nam không nhanh chóng đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động thì rất dễ xảy ra “dòng chảy” đoàn viên công đoàn, NLĐ từ các tổ chức Công đoàn Việt Nam sang tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp mới được thành lập. Tuy nhiên, thực tiễn trên cũng có thể xem là cơ hội để Công đoàn Việt Nam tự đổi mới, thích ứng với điều kiện mới. Việc nỗ lực giải quyết các thách thức trong tình hình mới sẽ giúp các cấp công đoàn trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong đó Công đoàn Công Thương Việt Nam có những bước phát triển tích cực, có khả năng mang tính đột phá.
Từ những tác động đó, vai trò của tổ chức công đoàn được thể hiện như thế nào trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ và cần có những điều chỉnh gì để phù hợp với tình hình mới và xu thế của thế giới, thưa ông?
Việc Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết gia nhập Công ước 98 về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (14/6/2019), một trong những công ước cơ bản đi kèm FTA thế hệ mới, cũng như sửa đổi Bộ luật Lao động có tác động không nhỏ đến hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Do đó, Công đoàn Việt Nam cần hướng mạnh nội dung hoạt động vào thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ để “cạnh tranh” với tổ chức đại diện NLĐ khác. Bởi vậy, trong thời gian này, công đoàn các cấp cần nhanh chóng đổi mới nhận thức và tư duy, nội dung và phương thức hoạt động, thực hiện tốt quan hệ lao động; nâng cao chất lượng thương lượng tập thể, ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), đặc biệt là TƯLĐTT cấp nhóm doanh nghiệp, cấp ngành; kịp thời tham gia giải quyết có hiệu quả các mâu thuẫn trong quan hệ lao động; đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật, nhất là tư vấn trực tuyến để tập hợp, hỗ trợ kịp thời những vướng mắc, khó khăn của công nhân, lao động (CNLĐ); thực hiện vai trò đại diện cho NLĐ khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động.
![]() |
Hội thao truyền thống CNVCLĐ Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam - Lần thứ X |
Trong thời gian tới, các cấp Công đoàn Việt Nam, trong đó có Công đoàn Công Thương sẽ đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để phù hợp với tình hình mới và xu thế của thế giới, như: Đổi mới nhận thức và tư duy; tập trung thực hiện những nội dung về quan hệ lao động, các hoạt động thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, đoàn viên công đoàn; đổi mới phương thức chỉ đạo của công đoàn cấp trên đối với CĐCS, từ phương thức chỉ đạo hành chính sang phương thức trực tiếp; sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan công đoàn cấp trên cơ sở trở lên theo hướng tinh gọn đầu mối; nghiên cứu sắp xếp, đổi mới tổ chức của công đoàn ngành sao cho phù hợp, khách quan với tình hình, nhiệm vụ mới... Việc này có ý nghĩa nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn để hoạt động thực chất và hiệu quả hơn.
Có thể nói, việc tham gia những FTA thế hệ mới giúp Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế, nhưng cũng đặt ra những thách thức rất lớn khi chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Ở góc độ công đoàn, theo ông cần phải làm gì để nâng cao năng lực, trình độ cho NLĐ?
Cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung, công tác nâng cao trình độ tay nghề, bản lĩnh của công nhân, NLĐ nói riêng những năm qua đã có những chuyển biến rõ nét nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trong quá trình hội nhập. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế. Những ngành nghề truyền thống sử dụng nhiều lao động sẽ dần mất đi, chúng ta dễ dàng đối mặt với tình trạng dư thừa lao động và gia tăng tình trạng thất nghiệp. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần bắt đầu ngay từ khâu đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề của đội ngũ CNLĐ. Để đẩy mạnh hoạt động lao động, sáng tạo nâng cao trình độ, tay nghề, bản lĩnh cho công nhân, NLĐ, trong thời gian tới, các cấp công đoàn, trong đó có Công đoàn Công Thương Việt Nam xác định cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của công nhân, NLĐ để họ thấy rõ việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp vừa là quyền lợi, vừa là yêu cầu để đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp.
Thứ hai, tổ chức công đoàn các cấp chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp ban hành Nghị quyết, Chương trình, kế hoạch đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực; có các chính sách, khuyến khích NLĐ học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tạo cơ hội để NLĐ chuyển đổi nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu công việc trong tình hình mới; nâng cao năng lực, đổi mới nội dung, phương thức đào tạo chuyển đổi nghề cho công nhân, NLĐ.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động, đưa nội dung khuyến khích đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân, NLĐ vào TƯLĐTT theo hướng thiết thực.
Thứ tư, công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua như: “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”; kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập, đào tạo, rèn tay nghề…
Bên cạnh đó, cá nhân mỗi NLĐ cần tự ý thức không ngừng học tập, nâng cao trình độ, tay nghề, nắm bắt khoa học kỹ thuật, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp và kỹ năng làm việc theo nhóm. Từ đó, phát huy sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần tăng năng suất lao động, phát triển bền vững doanh nghiệp, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Xin cảm ơn ông!