![]() |
Bộ sưu tập với khoảng 2.000 cây bút, được bác sĩ Nguyễn Văn Xáng đặt trang trọng trong một góc phòng khách của nhà mình |
“Cây bút đưa tôi vào đời”
Bác sĩ Xáng sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Thừa Thiên – Huế. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngày đi học tại lớp học miễn phí trong làng, ông không có bút nên một thầy giáo làng đã tặng cho ông cây bút lá tre và lọ mực để viết. Hàng ngày, ông rèn từng nét chữ trên chính cây bút ấy. Từ đó, cây bút trở thành người bạn đồng hành cùng ông trên con đường đi tìm tri thức. Đến năm 1995, khi sang Đức tu học chuyên khoa Tai - Mũi - Họng, ông được thầy giáo người Đức tặng một cây bút và chiếc đèn chuyên dụng ngành y. “Đi học mà người thầy tặng cho mình cây bút là một điều rất ý nghĩa. Vì vậy khi về nước, vào Nha Trang làm việc, nhớ đến những cây bút đã giúp mình khôn lớn, thành đạt nên tôi quyết định sưu tầm bút” - bác sĩ Xáng chia sẻ.
Niềm đam mê sưu tầm bút cứ ngày một lớn dần lên, đi tới đâu hễ thấy những cây bút lạ, đẹp là ông sưu tầm cho bằng được. Dù có rất nhiều cây bút nhưng với ông cây bút lá tre vẫn là cây bút quý nhất. “Đây là cây bút đầu tiên đưa tôi vào đời để có được những thành công hôm nay. Vì vậy, mỗi lần ngắm nó tôi lại nhớ về tuổi thơ của mình. Hiện nay loại bút này không còn nữa, may mắn có một người bạn học chung với tôi hồi nhỏ còn giữ lại và anh ấy đã tặng cho tôi” – bác sĩ Xáng cho biết.
![]() |
Ông dành một phần trong bộ sưu tập của mình để trưng bày những cây bút chuyên ngành y. Đó là những cây bút hình xương đòn, xương đùi, xương ống tay, mạch máu, bơm kim tiêm hay hình viên thuốc... |
Với ông, cây bút không chỉ là một phương tiện để học hành, ghi chép mà còn thể hiện ngôn ngữ, kiến thức, trí tuệ và suy nghĩ, tình cảm của mỗi người; nó chiếm một phần quan trọng trong cuộc sống của con người. Mỗi lần cầm bút ông lại nhớ về những kỷ niệm, sự kiện đã qua trong cuộc đời mình hay những nơi ông đã đi qua với bao kỷ niệm. Chính vì vậy, ông dành một góc trang trọng trong nhà để trưng bày bộ sưu tập bút của mình. Điều đó không chỉ thỏa mãn niềm đam mê bút của ông mà còn để mọi người có cơ hội chiêm ngưỡng những chiếc bút ấy.
Bộ sưu tập bút phong phú
![]() |
Những chiếc bút hình rau củ quả, động vật và các loại hoa nhưng thoạt nhìn không ai nghĩ chúng là bút |
Hiện nay, bộ sưu tập của ông có đủ loại với nhiều màu sắc, hình thù và kích cỡ khác nhau. Có cây to bằng bắp tay người nhưng cũng có những cây nhỏ như cây kim. Trong hàng ngàn cây bút của ông có rất nhiều cây bút đặc biệt: những cây bút hình các vị thần; hình các loại rau củ quả, thức ăn (miếng bánh pizza, ổ bánh mì, trái đậu…); các con vật (chim, cá, voi…), thể thao (trái bóng, gậy đánh bóng chày, dụng cụ đánh golf…). Đặc biệt, ông dành một phần trong bộ sưu tập của mình để trưng bày những cây bút chuyên ngành y. Đó là những cây bút hình xương đòn, xương đùi, xương ống tay, mạch máu, bơm kim tiêm hay hình viên thuốc…
Những cây bút ấy ông có được từ những chuyến công tác, tham gia các hội thảo khoa học, bạn bè tặng hay chỉ là bắt gặp tình cờ. Những cây bút có khi là tên địa danh, tên khách sạn, hãng thuốc, khu du lịch mà ông đặt chân đến, có khi lại tình cờ mua được. Ông kể: “Có lần đi nước ngoài tôi định mua một chiếc lược tặng vợ nhưng tìm mãi không có lược mà vô tình phát hiện mấy cây bút hình các con vật rất lạ và đẹp thế là mua luôn không chút ngần ngại”. Hay năm 2009, khi ông Barack Obama trở thành tổng thống thứ 44 của Mỹ, ông chia sẻ với bạn bè bên Mỹ, mong muốn của mình là có được cây bút hình tổng thống để ghi lại sự kiện này. Vài tháng sau, người bạn đã tìm mua, gửi về cho ông một cây bút có hình tổng thống Obama trên thân bút.
![]() |
Mỗi cây bút là một kỷ niệm, một trải nghiệm riêng trong đời của bác sĩ Xáng |
Sau những giờ làm việc, trở về nhà, ông lại ngắm nhìn những chiếc bút của mình, tỉ mẩn lau chùi như một thú vui tao nhã giúp xua tan những căng thẳng, lo lắng trong công việc và cuộc sống. Trong thời buổi của máy tính, của màn hình cảm ứng hay điện thoại di động thông minh thì những cây bút càng ít được quan tâm hơn. Vì vậy, ngoài việc sưu tầm ông còn thường xuyên nhắc nhở con cháu mình trân trọng những giá trị mà những chiếc bút mang lại.
Ông Xáng cho biết Trung tâm kỷ lục quốc gia vừa báo tin bộ sưu tập bút của mình đã được các thành viên Hội đồng kỷ lục quốc gia thông qua. Nếu không có gì thay đổi trong thời gian tới họ sẽ trao giấy chứng nhận kỷ lục “Bộ sưu tập bút phong phú và số lượng nhiều nhất” cho ông.