Doanh nhân Việt: Chinh phục thị trường thế giới

Tại Đại hội Sales & Marketing toàn quốc mới đây, đại diện 2 thương hiệu Việt thành công ở nước ngoài là ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Software và bà Nguyễn Lưu Ly - Trưởng phòng Truyền thông của Viettel Global đã có những chia sẻ thú vị về hành trình “mang chuông đi đánh xứ người”.
\"\"
Ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ kinh nghiệm trong kinh doanh

Đến với trái tim trước khi chinh phục khách hàng

Lãnh đạo FPT đã có quyết định chinh phục thị trường thế giới vào năm 1998, đúng thời điểm đỉnh cao của FPT tại Việt Nam. Sau một năm thực hiện kế hoạch của các chuyên gia kinh tế Mỹ là mở văn phòng tại Silicon Valley (Mỹ) và Bangalore (Ấn Độ), FPT đã thất bại vì không có ai thuê. Chán nản, thất vọng, các lãnh đạo định từ bỏ nhưng người đứng đầu Tập đoàn FPT Trương Gia Bình vẫn quyết tâm làm, nhưng chuyển hướng sang Nhật.

\"\"
Ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Software

Thời gian đầu, các công ty Nhật Bản có giao việc với yêu cầu khắt khe nhưng FPT lúc đó chỉ biết lập trình, không biết thiết kế... Tuy nhiên, may mắn là họ đã tìm được một doanh nhân giúp đỡ. Xuất phát từ sự chân thành qua những chia sẻ về đời sống, văn hóa của người Việt, đến những khát khao kinh doanh của những người Việt trẻ… FPT đã dần có được sự đồng cảm, yêu quý của người Nhật. Kết quả là FPT đã có doanh thu vài trăm triệu USD phần mềm, 43/140 tập đoàn lớn của Nhật Bản đều là khách hàng của FPT.

Bí quyết và cũng là bài học của FPT ở Nhật chính là con đường từ trái tim đến trái tim. Dù giàu hay nghèo thì con người vẫn luôn trân trọng những tình cảm chân thành. Và bản thân mỗi doanh nhân Việt phải chứng minh cho khách hàng thấy mình có ý chí, khát vọng vươn lên. Trên thực tế còn nhiều câu chuyện khác mà FPT đã làm để “đi vào trái tim” khách hàng, đơn cử như việc Chủ tịch Trương Gia Bình hát “Diễm xưa” bằng tiếng Nhật trong các cuộc giao lưu, gặp gỡ khách hàng; hay việc ông quyết định cùng tất cả nhân viên FPT Software ở lại Nhật Bản...

Hòa vào dòng chảy văn hóa bản địa

\"\"
Bà Nguyễn Lưu Ly - Trưởng phòng Truyền thông của Viettel Global

Hơn 8 năm làm việc ở nước ngoài, với nhiều quốc gia khác nhau; gặp bao nhiêu khó khăn trắc trở từ bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán đến nỗi buồn và sự trăn trở về sự “đơn độc” của doanh nhân Việt ở nước ngoài…; nhưng bằng nỗ lực sau 10 năm, Vietel Global đã có mặt tại 10 thị trường ở châu Á, châu Phi, Nam Mỹ như Lào, Campuchia, Cameroon, Haiti, Mozambique, Peru... với tổng số 26 triệu khách hàng quốc tế, doanh thu khoảng 1,5 tỷ USD, chiếm 15% doanh thu của toàn tập đoàn. Có được thành công đó là nhờ bí quyết hòa vào dòng chảy văn hóa bản địa, hiểu được khách hàng và mang lại cho họ sự hài lòng. “Khi chúng tôi đến những nước này thì họ đã có rất nhiều nhà mạng nổi tiếng toàn cầu với doanh thu lên tới 50-60 tỷ USD. Làm thế nào để có sự khác biệt, tồn tại, cạnh tranh sòng phẳng và phát triển là một thách thức lớn?” - đó là câu hỏi được đặt ra. Nhưng cũng chính vì lý do này, Viettel Global đã hợp tác cùng người bản địa để xây dựng các thương hiệu mang tính địa phương. Khi xây dựng giá trị cốt lõi của công ty, Viettel luôn chia sẻ “đây là mạng của các bạn, chúng tôi chỉ là nhà đầu tư và cái cuối cùng còn lại là của các bạn”.

Câu chuyện của đại diện 2 thương hiệu Việt thành công ở nước ngoài cho thấy, dù kinh doanh ở lĩnh vực khác nhau, cách làm khác nhau nhưng doanh nhân Việt đều có chung khát vọng chinh phục thị trường thế giới. Nhưng muốn làm việc đó phải có ước mơ, tham vọng lớn cùng chiến lược dài hạn và đặc biệt là nỗ lực quyết tâm của những doanh nhân Việt có trách nhiệm và lòng yêu nước, tự hào dân tộc.
Đình Dũng (Ghi)
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận