![]() |
Hàng do doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất bị làm giả |
Ông Phan Hoàn Kiếm - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh - cho biết, thời gian gần đây, lực lượng QLTT thành phố đã bắt giữ nhiều vụ hàng giả các nhãn hiệu của Nhật Bản, chủ yếu là các mặt hàng điện tử như đồng hồ Casio, sản phẩm điện tử Panasonic, bugi NGK, phụ tùng xe gắn máy, máy tính, điện thoại… Năm 2016, QLTT đã bắt giữ 20 vụ hàng giả đồng hồ Casio, tịch thu hơn 4,2 tấn bột ngọt Ajinomoto giả.
“Mặc dù các tổ chức và DN Nhật Bản cùng với các cơ quan chức năng Việt Nam phối hợp chặt trong công tác phòng chống hàng giả, tuy nhiên hàng hóa của các DN Nhật Bản bày bán trên thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục bị xâm hại thương hiệu với nhiều hình thức tinh vi” - ông Kiếm nhận xét.
Ông Jun Okubo - đại diện Công ty Yonex (Nhật Bản) - cho hay, thời gian qua cơ quan chức năng đã phát hiệu nhiều vụ kinh doanh các sản phẩm vợt cầu lông, quần áo thể thao làm giả nhãn hiệu Yonex. Tất cả các sản phẩm giả, nhái thương hiệu Yonex đều được sản xuất từ Trung Quốc và chuyển về Việt Nam bày bán công khai ở chợ, cửa hàng lớn, nhỏ.
Sản phẩm điện tử, điện gia dụng của các DN Nhật Bản sản xuất có thương hiệu như Casio, Panasonic, Bugi NGK, Sony… bị làm giả không ít. Ông Mai Ngọc Thạch - đại diện Công ty TNHH Anh Khuê Sài Gòn (nhà phân phối đồng hồ Casio tại Việt Nam) - nhận định, ngoài việc làm nhái sản phẩm, tem dán hàng chính hãng Casio cũng đã bị làm giả.
Đại diện Công ty Panasonic - bà Hisae Aoki - nói, các đối tượng sản xuất hàng giả thường lợi dụng tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng để sản xuất số lượng lớn nhằm trục lợi.
Quản lý kinh doanh toàn quốc của Tập đoàn NGK Việt Nam Trần Thanh Kha chia sẻ, vừa rồi khi mua 2.000 chiếc bugi trên thị trường Việt Nam, chuyên gia từ Nhật Bản đến kiểm tra đã phát hiện tỷ lệ hàng giả là 20%. Gần đây, công ty cùng với các cơ quan chức năng đã phát hiện 332 vụ làm giả bugi NGK với hơn 8 triệu chiếc, hàng giả này được sản xuất chủ yếu từ Trung Quốc.
Mới đây, Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cùng Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh tổ chức cho các tiểu thương tại 5 chợ và 2 trung tâm thương mại ở TP. Hồ Chí Minh ký kết thỏa thuận không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ông Takimoto Koji - Trưởng đại diện JETRO - nhấn mạnh, các DN Nhật Bản mong muốn hợp tác nhiều hơn với cơ quan chức năng Việt Nam nhằm đẩy lùi vấn nạn hàng giả, giúp bảo vệ quyền lợi nhà sản xuất và người tiêu dùng. Cơ quan chức năng của Nhật Bản đã giúp hải quan một số cửa khẩu tại Việt Nam nâng cao kỹ năng phát hiện hàng giả, trao đổi kinh nghiệm với các nhà quản lý, DN bán lẻ cách phát hiện hàng giả. “Các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn có xu hướng rót vốn vào ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ, dịch vụ liên quan đến nhu cầu thiết yếu của người dân Việt Nam. Nhưng các ngành này có nhiều rủi ro khi phải đương đầu với tình trạng dễ bị làm hàng giả, vì thế DN Nhật mong muốn các ngành chức năng Việt Nam xử lý mạnh tay đối với vấn nạn hàng giả” - ông Takimoto Koji nói.
5 tháng đầu năm 2017, Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh xử lý 198 vụ hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm trị giá 1,5 tỷ đồng. Hàng giả chủ yếu là đồng hồ, điện thoại, mắt kính, giày dép, điện tử, điện gia dụng, trong đó có nhiều thương hiệu của Nhật Bản. |