![]() |
DN nhựa nỗ lực củng cố năng lực sản xuất |
Khảo sát gần đây của Hiệp hội Nhựa- Cao su TP. Hồ Chí Minh cho thấy: Hơn 80% DN nhựa trong nước hoạt động ở quy mô gia đình. Những công ty này quy mô nhỏ, sức cạnh tranh kém, hoạt động theo hướng chủ động từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm. Ngoài ra, ngành nhựa đang có sự thay đổi vị trí, thứ hạng giữa các DN với nhau. Cách đây 5 năm, phần lớn DN nhựa đạt kim ngạch xuất khẩu 20 triệu USD đều tập trung ở TP. Hồ Chí Minh nhưng đến nay, xu hướng này nghiêng về DN phía Bắc. Điều này cho thấy, không ít DN nhựa đuối sức và không có chiến lược thúc đẩy đầu tư, sản xuất. Sự yếu kém này khiến DN nhựa trong nước tìm đến giải pháp bán cổ phần cho đối tác nước ngoài.
Theo ông Trần Việt Anh- Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nam Thái Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa- Cao su TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, nhiều tập đoàn Thái Lan tìm đến DN nhựa để đặt vấn đề đàm phán mua lại công ty. Trong các cuộc đàm phán, DN Thái Lan đưa ra giá rất cao. Đến nay, 4 DN nhựa đã đồng ý bán lại cổ phần cho đối tác nước ngoài. Cụ thể: Cuối tháng 7 vừa qua, Tập đoàn SCG Thái Lan mua lại thành công 80% cổ phần Công ty CP bao bì Tín Thành (Batico). Giá trị của thương vụ này ước tính khoảng hơn 40 triệu USD. Ngoài ra, SCG còn nắm giữ cổ phần lớn tại 4 DN chuyên sản xuất nhựa gia dụng, bao bì gồm: Liên doanh Việt- Thái Plastchem, Nhựa và hóa chất TPC Vina, Chemtech và Vật liệu nhựa Minh Thái.
Tuy nhiên, không phải DN nhựa nào cũng lựa chọn cách bán cổ phần cho đối tác nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp đã đã chủ động lên kế hoạch “phòng thủ” bằng cách đầu tư xây dựng nhà máy, củng cố năng lực sản xuất. Đơn cử như Công ty CP Đông Hải (Bến Tre) dự kiến xây dựng Nhà máy giấy Giao Long, với công suất thiết kế 80.000 tấn/năm, khởi công năm 2015 và sẽ đưa vào hoạt động từ năm 2017 với vốn đầu tư 400 tỷ đồng; Công ty Nhựa Rạng Đông đầu tư dây chuyền máy thổi 5 lớp từ Đức, dùng trong sản xuất bao bì nhựa mềm cao cấp trị giá khoảng 2,25 triệu USD, công suất 40 tấn/ngày; Công ty Nhà Nhựa Việt Nam đầu tư hơn 10 triệu USD để thành lập nhà máy đầu tiên sản xuất túi nhựa phân hủy sinh học. Ngoài ra, các công ty này còn có thay đổi lớn về cơ cấu sản phẩm, phương thức tiếp cận thị trường… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Đặc biệt, để hỗ trợ DN nâng cao sức cạnh tranh, mới đây, Hiệp hội Nhựa- Cao su TP.Hồ Chí Minh đã đề xuất với UBND thành phố về việc quy hoạch DN nhựa tại một khu tập trung, xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi nhằm tiết giảm chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, giảm chi phí vận tải và tăng cường được mối hợp tác, hỗ trợ giữa các DN. Theo hiệp hội, chỉ khi làm được như vậy sức cạnh tranh của DN mới được nâng cao.
Doanh nghiệp nhựa trong nước đang có thay đổi lớn về cơ cấu sản phẩm, phương thức tiếp cận thị trường… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. |