Doanh nghiệp ngành Công Thương sẽ tận dụng tốt các cơ hội từ cuộc CMCN 4.0

Cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 đang diễn ra rộng toàn cầu và có những tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam nhưng các doanh nghiệp Việt vẫn còn đang chưa thực sự sẵn sàng nhập cuộc...
\"doanh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá thực trạng DN ngành Công Thương trong cuộc CMCN 4.0

Từ cuối năm 2017, Bộ Công Thương đã tiến hành khảo sát, đánh toàn diện tác động và tính sẵn sàng của các doanh nghiệp (DN) ngành Công Thương trong tiếp cận với cuộc CMCN lần thứ 4.

Kết quả cho thấy, phần lớn các DN sản xuất công nghiệp Việt Nam đáng mới đứng ở điểm xuất phát, có tới 82% các DN của ngành đang mới ở vị trí mới nhập cuộc, trong đó tới 61% còn đứng ngoài cuộc. Kết quả đánh gía này tương đồng với kết quả được công bố bởi Diễn đàn Kinh tế thế giới vào tháng 1/2018 trong Báo cáo về tính sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai của các quốc gia. Theo đó, trong số 100 quốc gia được lựa chọn, đánh giá, Việt Nam đang nằm trong nhóm nước chưa sẵn sàng với cuộc CMCN lần thứ 4.

Điểm nghẽn của doanh nghiệp Việt

Trong số 6 trụ cột đánh giá tính sẵn sàng tiếp cận với cuộc CMCN lần thứ 4 gồm: chiến lược và tổ chức, nhà máy thông minh, vận hành thông minh, dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu; sản phẩm thông minh và người lao động, các DN Việt Nam tiếp cận ở mức thấp đối với tất cả các trụ cột, nhất là những trụ cột có vai trò quan trọng nhất (chiến lược và ổ chức, sản phẩm thông minh) cũng là các trụ cột có mức độ tiếp cận thấp nhất.

Cụ thể, tại Hội thảo \"Phát triển nền sản xuất thông minh: Tầm nhìn và giải pháp” ngày 13/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã phân tích: Chiến lược và cơ cấu tổ chức thực hiện được đánh giá là trụ cột có vai trò quan trọng nhất với trọng số 25,4%. Quan điểm này đặt ra yêu cầu rằng trước thay đổi mạnh mẽ từ môi trường bên ngoài cũng như yếu tố nội tại của DN, việc đưa ra được một Chiến lược ứng phó, thích ứng cũng như cơ cấu để vận hành là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy 81,3% DN chưa có chiến lược tiếp cận Cuộc CMCN lần thứ 4, mức độ sẵn sàng là 0,14 (ngoài cuộc). Khảo sát 2000 DN thuộc Hiệp hội DN nhỏ và vừa tại Hà nội cho thấy, có đến 79% DN trả lời chưa chuẩn bị cho cuộc CMCN 4.0. \"Đây thực sự là một con số đáng lo ngại và cũng là “điểm nghẽn” cần cởi bỏ để nâng cao tính sẵn sàng của DN trong thời gian tới\" - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Về ứng dụng và đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ theo các xu hướng của cuộc CMCN lần thứ 4, kết quả khảo sát cho thấy DN ngành Công Thương mặc dù đã quan tâm tới đầu tư, đổi mới công nghệ nhưng mức đầu tư rất hạn chế. Phần lớn đầu tư trong 2 năm qua cũng như dự kiến trong 5 năm tới của DN chỉ ở mức khoảng 1 tỷ đồng, tương đương dưới 50.000 USD. Trong khi, cũng theo số liệu khảo sát này có tới 52% DN bắt buộc phải thực hiện đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ để xây dựng các nhà máy thông minh.

\"doanh
DN Việt đổi mới đầu tư ứng dụng các công nghệ thông minh

Hiện nay, mức độ ứng dụng các công nghệ chủ yếu từ cuộc CMCN 4.0 của các DN ngành Công Thương còn rất hạn chế, ví dụ như Công nghệ in 3D, nhận dạng bằng sóng vô tuyến, Bigdata chỉ ở mức 2%; 3% với trí tuệ nhân tạo, định vị thời gian thực… Vì vậy, với mức 50.000 USD sẽ rất khó để các DN ứng dụng, đổi mới công nghệ theo xu thế. Đây sẽ thực sự là thách thức lớn cho quá trình chuyển đổi số của DN.

Về phát triển các sản phẩm thông minh và dịch vụ dựa vào dữ liệu, điểm sẵn sàng của sản phẩm thông minh là 0.08 (so với thang điểm 5) với 93% DN đứng ngoài cuộc. Hiện có tới 53% dữ liệu sản phẩm không được thu thập, các tính năng của một sản phẩm thông minh như: chức năng bản địa hóa, chức năng tự báo cáo, chức năng nhận dạng tự động… chỉ có tỷ lệ áp dụng mức từ 1- 2 %. Phát triển sản phẩm thông minh là trụ cột quan trọng thứ 2 trong tính sẵn sàng tiếp cận với nền sản xuất thông minh, là cơ sở để giúp nhà cung cấp nắm bắt tốt hơn nhu cầu của người dùng từ đó tạo ra những sản phẩm gần nhất với mong muốn của người dùng; Đồng thời cũng là cơ sở để phát triển các dịch vụ dựa vào dữ liệu hay các mô hình kinh doanh số. Điều này có thể thấy là điểm nghẽn tiếp theo cần phải có giải pháp khắc phục của DN trong thời gian tới.

Về người lao động, mặc dù có mức độ sẵn sàng cao hơn các trụ cột khác nhưng phần lớn các DN đều cho rằng các kỹ năng hiện tại là chưa đủ đáp ứng yêu cầu của nhà máy trong tương lai.

Bộ Công Thương quyết liệt với những thay đổi mang tính chiến lược

Trước thực trạng đó, thời gian qua, Bộ Công Thương đã rất chủ động tích cực trong triển khai các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 16/CT –TTg về tăng cường năng lực tiếp cận với cuộc CMCN lần thứ 4. Cùng với những kết quả đã triển khai của ngành và kết quả đánh giá, Bộ Công Thương đã xây dựng và báo cáo Ban Kinh tế Trung ương về một số định hướng, chính sách cũng như những giải pháp trọng tâm của ngành Công Thương để chủ động tham gia vaò cuộc CMCN 4.0.

Theo đó, giải pháp tiếp cận của ngành Công Thương trong cuộc CMCN sẽ là tập trung vào đổi mới, nâng cấp nền sản xuất hiện đại, đẩy nhanh quá trình này bằng việc tận dụng những cơ hội và hấp thu nhanh chóng các công nghệ, xu hướng phát triển mới. Định hướng này được Bộ Công Thương cụ thể hóa thành nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: Nhanh chóng xây dựng chiến lược phát triển ngành giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2035 trên quan điểm và cách thức tiếp cận với cuộc CMCN lần thứ 4; định hình lại các ưu tiên trong phát triển các ngành/lĩnh vực và định hướng ưu tiên phát triển DN trong bối cảnh mới với những thay đổi mang tính chiến lược; Tập trung hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý, tạo môi trường bình đẳng, thuận lợi chính là động lực quan trọng để thúc đẩy DN phát triển, thực hiện đổi mới sáng tạo cũng như nhanh chóng hấp thu thành tựu từ cuộc CMCN 4.0. Đặc biệt, phát triển nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của một nền sản xuất thông minh và hiện đại trong tương lai.

\"doanh
Để hòa nhịp với cuộc CMCN 4.0, rất cần sự chủ động của chính các DN

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng bày tỏ hy vọng và tin tưởng, với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo ngành Công Thương, của các đơn vị, tham mưu và sự tham gia chủ động tích cực của cộng đồng DN, ngành Công Thương sẽ tận dụng tốt nhất các cơ hội từ cuộc CMCN lần thứ 4.

Hiện nay Bộ Công Thương đang tích cực tìm kiếm trao đổi thông tin với các DN trong nước và nước ngoài để phát triển các mô hình kinh doanh dựa trên các công nghệ nền tảng của CMCN 4.0. Đây sẽ trở thành những mô hình thí điểm, thành công và tạo sự lan tỏa cho các DN sản xuất trong ngành Công Thương.
Thu Hà
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận