Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), quý I/2021 vừa qua tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước đã tăng trưởng khả quan. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.291,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I ước tính đạt 1.033,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ.
Việc thị trường bán lẻ hàng hóa đang phục hồi tích cực được đánh giá là một tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và bán lẻ Việt. Số liệu được công bố từ các công ty, tập đoàn như Masan Group, Kido, Đường Quảng Ngãi… cũng cho thấy doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp này có sự tăng rõ rệt.
![]() |
Sức mua bán lẻ tăng thúc đẩy doanh thu của doanh nghiệp hàng tiêu dùng tăng trưởng tốt trong quý I/2021 |
Chẳng hạn, Masan Group đã đạt doanh thu 19.977 tỷ đồng trong quý I/2021, tăng 13,3% so với cùng kỳ và sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào mảng hàng tiêu dùng cũng như sản xuất thịt có thương hiệu. Đặc biệt, ở lĩnh vực bán lẻ - VinCommerce đã có lợi nhuận trong hai quý liên tiếp, biên EBITDA cải thiện từ mức 0,2% vào quý 4/2020 lên 1,8% vào quý I năm nay. Cũng quy quý I, VinCommerce đã hoàn tất đàm phán với các nhà cung cấp chiến lược chiếm 40% doanh thu của chuỗi, giúp tăng biên lợi nhuận thương mại lên 1% trên cơ sở doanh thu của các nhà cung cấp trên.
Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan Group - cho biết: Kết quả kinh doanh quý I/2021 của VinCommerce đã khẳng định năng lực của Masan trong việc vận hành nền tảng bán lẻ quy mô và mang lại lợi nhuận. “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi hiện nay là tái mở rộng chuỗi bán lẻ trên toàn quốc, hướng đến phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng vào năm 2025. Mục tiêu đến cuối 2021, số lượng điểm bán lẻ ít nhất sẽ tương đương với số lượng điểm bán khi Masan sáp nhập. Điểm khác biệt duy nhất là mạng lưới bán lẻ này sẽ có lợi nhuận”- ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ.
Tương tự, Đường Quảng Ngãi cũng đạt doanh thu đạt 1.639 tỷ đồng doanh thu trong quý I/2021, tăng 15% so với cùng kỳ; lãi sau thuế tăng 38% khi đạt 161 tỷ đồng. Sở dĩ doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp này tăng đến từ 2 mảng sản xuất kinh doanh chính là sữa đậu nành (thương hiệu Vinasoy) và mía đường. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phát triển mảng điện sinh khối, nước giải khát, bia, rượu và bánh kẹo.
Hay với Kido, doanh nghiệp này đã có mức tăng trưởng tới 35% so với cùng kỳ khi đạt doanh thu 2.322 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm nay. Theo lãnh đạo của Kido, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng trên là do mảng dầu ăn ghi nhận tăng trên 50% và doanh thu thuần từ ngành hàng này hiện chiếm tới 87%.
Bước sang quý II/2021, nhiều doanh nghiệp cho biết mặc dù tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và Việt Nam tiếp diễn phức tạp đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên các doanh nghiệp đã có những định hướng, chiến lược để phát huy kết quả đạt được trong những tháng đầu năm.
Theo đó, các doanh nghiệp đã ổn định dây chuyền sản xuất, tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, tối ưu hóa chi phí bán hàng, tăng cường các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng, từ đó kích cầu hiệu quả hơn.