Chiều nay (16/4), UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị “Đối thoại với DN” để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, ứng phó với dịch bệnh Covid- 19, phục hồi kinh tế Thủ đô với sự tham dự của các Hiệp hội DN, công ty, tập đoàn lớn.... Ủy viên Bộ Chí trị Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội nghị.
Nhiều ngành, nhiều DN gặp khó
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, quý I/2020, tăng trường kinh tế vẫn duy trì, song do hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19 nên hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm trên địa bàn quý I/2020 tăng ở mức 3,72%; chỉ số công nghiệp tăng 4,44%; tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 7,4%, tổng mức bán lẻ tăng 2,3%. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 63,04 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% (cùng kỳ tăng 10,5%). Về số DN thành lập mới trong 3 tháng đầu năm đạt 6.350 DN, nâng tổng số DN trên địa bàn đến thời điểm hết 31/3/2020 là 285.349 DN.
![]() |
Hà Nội: Đối thoại với doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh dịch Covid- 19 |
Trong quý I/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, tình hình sản xuất kinh doanh đã bộc lộ nhiều khó khăn. Nhiều DN phải thu hẹp hoặc tạm ngưng hoạt động. Riêng 3 tháng đầu năm, có 4.240 DN ngưng hoạt động (tăng 36% so với cùng kỳ). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2.744 triệu USD, giảm 18,1%, kim ngạch nhập khẩu đạt 5.832 triệu USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các ngành đều sụt giảm doanh thu. Ngành dệt may ước tính sụt giảm 30%; da giày sụt giảm 20%; du lịch, vận tải, hàng không, khách sạn giảm từ 20 – 50%...
Để triển khai các giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, kịp thời ứng phó với dịch Covid- 19, Hà Nội đã đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; hỗ trợ kinh phí cho DN thành lập mới; chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt Chương trình kết nối Ngân hàng – DN; thực hiện các gói hỗ trợ vay sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ DN khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ nghiên cứu khoa học – công nghệ; triển khai các giải pháp duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh;… Đến nay, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của Thành phố đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, ứng phó với dịch bệnh Covid-19
DN mong muốn kéo dài thời gian giảm thuế, giãn nợ
Các thay đổi trong chính sách của Chính phủ trong thời gian vừa qua đã cho thấy các phản ứng sắc bén của Chính phủ trong việc hỗ trợ các DN trong cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Điều quan trọng tiếp theo là làm thế nào để thực hiện các cơ chế chính sách này nhanh và hiệu quả, đảm bảo các nguồn hỗ trợ kịp thời và đúng với các nhóm đối tượng.
Đặt vấn đề với lãnh đạo TP Hà Nội tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG - cho biết, Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đã Chính phủ ban hành, hiện các cơ quan thuế cũng đang hướng dẫn các DN để thực hiện. Tuy nhiên, khi DN làm việc với các cán bộ cơ quan ngành thuế thì nhận được sự nhận thức chưa được rõ ràng. Cụ thể, theo Điều 3, Khoản 2 của Nghị định 41 quy định gia hạn thời gian nộp thuế đối với số thuế thu nhập DN còn phải nộp theo quyết toán của kỳ tính thuế năm 2019 thì hiện nay các cán bộ ngành thuế đang có ý kiến chưa chính thức và cũng đang hướng dẫn chỉ được ở mức giới hạn tối đa 20%. DN cũng kiến nghị ngành thuế Hà Nội có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Hiện Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN, tuy nhiên, dịch Covid- 19 dự kiến vẫn còn kéo dài, trong khi đó, phần lớn trong quy định hướng dẫn cũng như chính sách hỗ trợ của Chính phủ đều đặt ra thời hạn khoảng 5 - 6 tháng. Các doanh nghiệp (DN) cho rằng, thời gian này cũng chưa đủ để phục hồi nền kinh tế cũng như phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh cho các DN. Do đó, các DN đề xuất kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế, cũng như các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho cộng đồng DN.
Là một trong những DN hoạt động trong lĩnh vực đa ngành, đại diện Tập đoàn Vingroup – cho hay, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy dẫn đến thiếu linh kiện để sản xuất sản phẩm ô tô, xe máy... Về du lịch, dịch Covid- 19 làm ảnh hưởng việc làm của hơn 18.000 cán bộ nhân viên tại các khu nghỉ dưỡng nhưng vẫn phải duy trì lương cho số lượng người này. Tất cả các lĩnh vực kinh doanh khác như bất động sản, giáo dục của Tập đoàn đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Tập đoàn Vingroup đề xuất kéo dài thời hạn nộp thuế và tiền thuế đất 1 năm thay cho 5 tháng để vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Đồng thời, xin miễn tiền thuế đất năm 2019 các cơ sở kinh doanh lưu trú. Đối với ngành sản xuất công nghiệp ô tô nội địa, Tập đoàn Vingroup xin giãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Tại Hà Nội, Tập đoàn xin hỗ trợ các thủ tục hành chính như sớm cho phép các DN bằng sản phẩm, điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch phân khu; sớm phê duyệt các danh mục sử dụng đất...
Tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất kinh doanh phải như mệnh lệnh thời chiến
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đại dịch Covid- 19 đang tác động nặng nề, gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng, nhiều dự báo được đưa ra nhưng nhưng đến giờ phút này vẫn chưa đánh giá hết được tác động ghê gớm của dịch bệnh.
Trong bối cảnh dịch bệnh, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh tế trực tuyến, TP sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông trong tuần tới để triển khai công việc hướng tới mục tiêu cứ 1.000 dân sẽ có 1 DN kể cả khởi nghiệp trong lĩnh vực này, chú trọng hình thức trực tuyến, kể cả với các dịch vụ công; coi đây như một cứu cánh của nền kinh tế.
Về đầu tư công, trong giai đoạn 5 năm qua, Hà Nội hiện có hơn 107 nghìn tỷ đồng, chiếm 10% đầu tư công của cả nước. Hà Nội đã quyết tâm tháo gỡ tất cả những vướng mắc để giải ngân gần 40 nghìn tỷ đồng còn tồn đọng, tháo gỡ khó khăn cho DN. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, đây là nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư tư nhân.
Kêu gọi các DN phối hợp với Hà Nội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ thông tin, đầu tư công. Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, TP sẵn sàng lắng nghe để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, tháo gỡ các thủ tục để cho các chính sách, dự án của DN đầu tư trên địa bàn TP được kích hoạt, thông suốt bởi đầu tư công và tư nhân hiện nay là cứu cánh cho kinh tế của TP.
Bí thư Thành ủy cho biết, đối với các gói hỗ trợ của Chính phủ thì TP sẽ triển khai một cách nhanh nhất. Ngoài ra, TP cũng muốn lắng nghe đề xuất của các nhà đầu tư, hiệp hội về phí, lệ phí… để TP có điều chỉnh quyết sách cần thiết thuộc thẩm quyền của TP. Đồng thời cũng yêu cầu UBND TP phải thực hiện việc tháo gỡ khó khăn cho DN như mệnh lệnh trong thời chiến...
Để hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch Covid- 19, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, Hà Nội sẽ tiếp túc triển khai hiệu quả Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện 100% thủ tục hành chính qua mạng điện tử mức độ 3, đẩy mạnh đăng ký trực tuyến mức độ 4 ở tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến DN; triển khai nhanh, kịp thời các cơ chế, chính sách của Chính phủ hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19. |