![]() |
Ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp về tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn tỉnh |
Để nâng cao hiệu lực công tác quản lý Nhà nước, thực hiện chỉ đạo của Bộ Xây dựng, ngăn ngừa những sự cố có thể gây hậu quả đáng tiếc, ngày 22/3/2016 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1460/KH-UBND \"về việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi bằng lò nung thủ công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh\". Mục tiêu đề ra: lộ trình giảm dần và đến hết năm 2018 chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất vôi bằng các lò nung thủ công trên địa bàn tỉnh, đảm bảo kiểm soát an toàn vệ sinh lao động, giảm thiểu các tác động ô nhiễm môi trường.
Tại cuộc họp sáng 9/3, ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần tập trung rà soát lại hoạt động các cơ sở sản xuất vôi, trong đó đánh giá rõ quá trình hình thành từ sản xuất nhỏ đến sản xuất vừa và nhỏ cho đến hiện trạng hiện nay.
Đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh vẫn còn 64 cơ sở sản xuất tập trung ở 4 địa phương: Hạ Long, Đông Triều, Quảng Yên và Uông Bí. Trong đó có 6 cơ sở đã dừng hoạt động sản xuất (Đông Triều: 2 cơ sở; Uông Bí: 4 cơ sở). Các lò sản xuất vôi đã được đầu tư là lò đứng thủ công liên hoàn, công suất thiết kế mỗi lò khoảng 3.000 tấn/lò/năm. Tổng công suất thiết kế ước đạt trên 250.000 tấn/năm. Phần lớn các lò vôi thủ công do các hộ gia đình tự góp vốn đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
![]() |
Các lò vôi thủ công hình thành tự phát từ lâu đời, công nghệ lạc hậu, chủ yếu sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn lao động |
Về tình hình quản lý quỹ đất sử dụng của các lò vôi, các địa phương phải đánh giá rõ diện tích đất và quá trình hình thành quỹ đất đó, nắm chắc quy mô xây dựng, công nghệ, làm rõ thực trạng lao động gồm lao động thường xuyên, lao động thời vụ... Làm rõ việc chấp hành các quy định về thuế, phí cũng như các quy định về môi trường, đất đai của từng cơ sở; xác định nguyên liệu đầu vào, đầu ra nơi tiêu thụ cũng như giá thành sản phẩm.
Liên quan đến việc chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động tại các lò vôi thủ công, ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trên cơ sở lao động đang làm việc thường xuyên, chính quyền cần rà soát để có phương án phù hợp. Đồng thời, đề xuất các giải pháp hỗ trợ khác đối với các cơ sở không cho phép hoạt động nữa; tăng cường quản lý nhà nước về kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các sai phạm về môi trường, đất đai, xây dựng, an toàn giao thông trong vận chuyển đá vôi.
Đối với chính sách hỗ trợ, Phó Chủ tịch Vũ Văn Diện yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng chính sách để báo cáo xin chủ trương của tỉnh trong vận dụng và địa phương tự cân đối nguồn ngân sách triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, cần tăng cường phổ biến sâu rộng về tác hại nhiều mặt của các lò vôi thủ công cũng như chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc xóa bỏ lò vôi thủ công truyền thống. Kiên quyết không để phát sinh các lò vôi thủ công mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, trước khi tiến hành chuyển đổi hoặc chấm dứt hoạt động, các cơ quan chức năng phải yêu cầu các cơ sở sản xuất vôi bằng lò nung thủ công khắc phục tồn tại, thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tài nguyên nước và mất an toàn lao động.