![]() |
Khu bồn bể chứa sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất |
Lý do BSR (đơn vị quản lý vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu cho các sản phẩm của BSR được cho là do giá dầu. Dư luận những ngày qua lại có những luồng ý kiến khác và cho rằng, đây là “chiêu” đòi ưu đãi của doanh nghiệp bởi hiện tại BSR đang được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong thời hạn 30 năm, được giữ mức thuế suất thuế nhập khẩu 7% với xăng dầu, 5% với LPG và 3% với sản phẩm hóa dầu khác là đã vượt khung ưu đãi.
Tuy nhiên, BSR cho rằng, cơ chế, chính sách hiện hành đối với hoạt động của doanh nghiệp là theo các quy định của pháp luật bởi tầm vóc quan trọng và vai trò chiến lược của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với nền kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Mức thuế suất nhập khẩu dành cho BSR đã được nhà nước cân nhắc phù hợp các cam kết quốc tế và không làm giá sản phẩm của BSR ảnh hưởng cạnh tranh với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Theo BSR, từ tháng 1/2016 sản phẩm dầu diesel nhập từ các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc vào Việt Nam đã có thuế suất 0%, trong khi đó sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn giữ thuế suất 10%. Đối với mặt hàng xăng, theo lộ trình hội nhập quốc tế đến năm 2021 mới bắt đầu đưa thuế suất thuế nhập khẩu về 0%, nhưng theo thỏa thuận ưu đãi đặc biệt FTA ký kết với Hàn Quốc thì những sản phẩm xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc đã chỉ chịu 10%, còn xăng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn có thuế suất là 20%. Theo thỏa thuận với Nhật Bản, thời gian tới thuế suất nhập khẩu xăng từ nước này vào Việt Nam cũng sẽ đưa về 10%. Điều này cho thấy, chênh lệch thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng xăng từ Hàn Quốc, Nhật Bản… so với thuế suất xăng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là 10%, tức giá xăng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ cao hơn sản phẩm cùng loại nhập khẩu 10%. Vì vậy, BSR đã kiến nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu của BSR bằng với thuế xăng dầu nhập khẩu.
Giá dầu giảm sâu, thu ngân sách nhà nước giảm khiến việc điều hành kinh tế của nhà nước gặp nhiều khó khăn. Để chia sẻ gánh nặng tài chính với nhà nước, cùng các doanh nghiệp lớn khác, BSR mỗi năm đã đóng góp khoảng 1 tỷ USD từ thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất thuế nhập khẩu… Khi vấn đề thuế làm cho doanh nghiệp không thể tự điều chỉnh được sản xuất, kinh doanh, đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, nhà nước cũng nên có động thái xem xét điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu hợp lý cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động bình thường.
Bày tỏ quan điểm về đề xuất của BSR, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính- cho biết: “Từ năm 2016, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo thỏa thuận FTA Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực, mặt hàng xăng nhập khẩu có thuế suất từ 20% giảm xuống 10% tạo ra chênh lệch lớn giữa thuế suất thuế nhập khẩu theo mức thông thường và mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của các hiệp định FTA. Do vậy, đề xuất của BSR là hợp lý, đảm bảo nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước và sản phẩm hàng hóa nhập khẩu, giữ được mức bảo hộ hợp lý theo cam kết tham gia các FTA”.
Khi Hiệp định Asean- Hàn Quốc có hiệu lực, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ sửa cơ chế tài chính phù hợp với cơ chế thị trường, đảm bảo bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, khi đó BSR cũng phải thực hiện nghĩa vụ thuế hoàn toàn theo các luật thuế; bãi bỏ cơ chế nếu thuế suất thuế nhập khẩu hạ xuống dưới mức 7% thì nhà nước bù cho BSR. |