Để không còn điệp khúc "giải cứu"

Xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm và nhiều nước trên thế giới quay lại đầu tư phát triển nông nghiệp.

Từ câu chuyện \"giải cứu\" khoai lang…

Những ngày gần đây, hàng trăm ha khoai lang Nhật ở Gia Lai bị dội chợ dù đã quá mùa thu hoạch, thương lái \"bỏ của chạy lấy người\" khiến nông dân điêu đứng. Chương trình \"Khoai lang nghĩa tình\" đã được nhiều nơi phát động nhằm giúp bà con giải quyết số lượng khoai đang ùn ứ, lấy lại được phần nào mất mát.

\"de
Khoai lang tím rớt giá thảm làm người trồng điêu đứng

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho hay, những nông sản được \"giải cứu\" phần lớn là những loại nông sản không \"đẳng cấp\" như: Dưa hấu, khoai lang, sắn, chuối…, tiêu dùng trong nước không phải là phổ thông dẫn đến sức mua ít. Đây cũng không phải là nông sản chủ lực và không có thị trường chủ lực nên dẫn đến ế thừa là điều tất yếu.

Bên cạnh đó, tình hình tiêu thụ khoai lang gặp khó một phần là do không xuất được qua Trung Quốc. Lý do là vì khoai lang hiện không có tên trong danh mục các nông sản hàng hóa được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Cùng với thị trường Trung Quốc, khoai lang giống Nhật cũng được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng đến nay vẫn chưa dự báo được thị trường.

Quản lý sản xuất trong nước

Hiện, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý xem xét mở thêm các loại rau, quả mới từ Việt Nam theo thứ tự ưu tiên là: Sầu riêng, bưởi, chanh leo, khoai lang, dừa, na, măng cụt. Tuy nhiên, vẫn cần thêm thời gian, khoai lang mới có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường này.

Dù có xuất khẩu được chính ngạch, khoai lang Việt Nam cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt. Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch Công ty CP Bagico - nhận định, chúng ta ngày càng yếu thế trong cạnh tranh. Theo đó, nếu thu mua từ Việt Nam để xuất sang thị trường Trung Quốc cùng các chi phí vận chuyển, thuế nhập khẩu và hư hao trong quá trình vận chuyển, so với giá thành do nông dân Trung Quốc trồng, sẽ rẻ hơn chúng ta từ 30 - 40%. Điều này đặt ra bài toán trong quản lý sản xuất trong nước.

Ông Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh, đã là kinh tế thị trường thì không có chỗ cho \"giải cứu\", cần tuân thủ quy luật cạnh tranh, cung - cầu và ưu tiên cho nông sản chủ lực. Với những loại nông sản không thuộc \"đẳng cấp\" mà chỉ tiêu dùng đơn giản, không nên phát triển và người dân chỉ nên trồng ở mức độ phù hợp.

Tại Diễn đàn Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản diễn ra mới đây, ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) - đánh giá: Hiện nay, việc các thị trường nhập khẩu siết chặt yêu cầu về chất lượng, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc. Cụ thể, đối với thị trường Trung Quốc tăng cường thực hiện nghiêm các quy định đã có về truy xuất nguồn gốc, bao bì sản phẩm; rà soát, đánh giá năng lực của các doanh nghiệp xuất khẩu… Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN, đã và đang tăng cường áp dụng các quy định ngày càng khắt khe về kiểm dịch động, thực vật nhập khẩu, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Theo ông Sơn, để không còn giải cứu, thúc đẩy thị trường nông sản phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp cần tổ chức lại sản xuất theo hướng trọng tâm, trọng điểm, có quy mô và theo hướng nâng cao chất lượng. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh công tác mở cửa thị trường đối với các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu theo hướng xác định rõ mặt hàng và thị trường ưu tiên.

Ông Tô NgọcSơn - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương): Các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động nghiên cứu, thay đổi tư duy tiếp cận thị trường, thay đổi phương thức giao dịch từ tiểu ngạch sang thương mại chính quy, đặc biệt là đối với thị trường Trung Quốc.
Nguyễn Hạnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận