Để chuyện "giải cứu" không lặp lại

Tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu (XK) nông sản là một trong những giải pháp đang được Bộ Công Thương quyết liệt triển khai nhằm giảm thiểu những tác động của dịch Covid-19. Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (XNK) - Bộ Công Thương - chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này.

Ngay từ khi dịch Covid-19 tác động bất lợi đến hoạt động XK nông sản sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương đã triển khai rất nhiều giải pháp ứng phó, xin ông nói rõ hơn về những giải pháp này?

de chuyen giai cuu khong lap lai

Dịch Covid-19 tác động mạnh đến các khía cạnh của hoạt động sản xuất, XNK. Trong đó, nhóm mặt hàng chịu tác động lớn nhất là trái cây, cụ thể là thanh long và dưa hấu. Do các biện pháp chống dịch được triển khai ở phía Trung Quốc nên cửa khẩu đã có sự hạn chế giao thương.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh biên giới, đặc biệt là Lạng Sơn và Lào Cai, trao đổi, đàm phán với phía bạn để từng bước giải tỏa ách tắc. Cụ thể, với Công văn 808/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ, chúng ta đã triển khai được việc đảm bảo hiệu quả công tác chống dịch và không làm gián đoạn hoạt động thông thương.

Với tình hình dịch tại Trung Quốc hiện nay, nếu có thể kiểm soát được trong quý I thì những tác động vẫn có thể kéo dài đến hết quý II. Vì vậy, việc tìm kiếm thị trường thay thế để hoạt động XK diễn ra bình thường đã được Bộ Công Thương lên kế hoạch. Các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cũng sẽ có những thay đổi kịp thời, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tìm kiếm thị trường mới.

Đã có nhiều hoạt động "giải cứu" nông sản được thực hiện thời gian qua, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế, không mang tính bền vững. Ông có khuyến nghị gì về vấn đề này?

Để không phải "giải cứu" nông sản thì vấn đề căn cốt vẫn là sản xuất có kế hoạch. Điều này đã được Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khuyến cáo, các địa phương, hiệp hội và người nông dân qua nhiều hình thức khác nhau. Hiện tại, một số địa phương đã hình thành vùng nông nghiệp tập trung, quy mô lớn. Song vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn cần được Bộ NN&PTNT đẩy mạnh, bên cạnh số lượng, chúng ta cần nâng cao chất lượng nông sản thông qua chế biến, bảo quản...

de chuyen giai cuu khong lap lai
Nhiều giải pháp hỗ trợ xuất khẩu đang được triển khai

Trong bối cảnh hiện nay, đâu sẽ là những thị trường chúng ta hướng tới trong thời gian tới, thưa ông?

Trung Quốc là đối tác XK lớn thứ 2 của Việt Nam. Đặc biệt, với một số nhóm hàng thì tỷ trọng thương mại với Trung Quốc là lớn nhất như: Nông sản, trái cây, cao su, tinh bột sắn hay những sản phẩm nguyên liệu nhập khẩu (NK) như: Dệt may, da giày, điện tử. Theo đó, về lâu dài, đây vẫn thị trường trọng điểm bởi sự thuận lợi về khoảng cách địa lý khiến chi phí vận chuyển và thời gian đáp ứng nguồn hàng ngắn.

Bên cạnh đó, chúng ta còn có những thị trường lớn như: Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, NewZealand… đã khai thác hiệu quả trong thời gian qua. Trong bối cảnh, nhiều FTA thế hệ mới được thực thi, Bộ Công Thương đã có những kế hoạch cụ thể để mở rộng thị trường mới nhưng không bỏ quên thị trường truyền thống. Tuy nhiên, do đặc tính hàng nông sản không để được lâu, nên những thị trường gần với Việt Nam như ASEAN và các nước khu vực Đông Á vẫn được chú trọng.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hường
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận