Đẩy mạnh tiêu thụ phân bón

Với chủ trương tập trung phát triển mạnh ngành phân bón để phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước, hạn chế nhập khẩu, thời gian qua, sản xuất phân bón vô cơ đã không ngừng tăng trưởng, chủ động nguồn cung cho thị trường nội địa.
\"\"
Phân bón sản xuất trong nước đã cung ứng đủ cho thị trường

Cung ứng đủ cho thị trường

Theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), năm 2016, Vinachem đã cung ứng cho thị trường 3.713 nghìn tấn phân bón các loại (phân lân chế biến: 1.373 nghìn tấn, đạm Urê: 373 nghìn tấn; phân hỗn hợp NPK: 1.740 nghìn tấn; phân DAP: 227 nghìn tấn).

Căn cứ vào lượng tồn kho cuối năm 2016, tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường hệ thống phân phối mặt hàng phân bón đến đại lý ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, đảm bảo không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Lượng hàng dự trữ để cung ứng phục vụ thị trường cuối năm 2016 và đầu năm 2017 bao gồm: Phân lân chế biến: 173.000 tấn; phân đạm Urê: 53.000 tấn; phân DAP: 25.000 tấn; phân hỗn hợp NPK: 211.000 tấn. Lượng hàng dự trữ này đủ để cung ứng tiêu thụ cho thị trường trong khoảng 3 tháng, trong khi các đơn vị vẫn duy trì sản xuất ổn định, đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu hàng.

Mặc dù cung ứng đủ cho thị trường, nhưng trên thực tế, tiêu thụ phân bón gặp nhiều khó khăn nên giá bán phân bón của Vinachem không tăng hoặc tăng ít, một số loại còn giảm mạnh. Tại thời điểm tháng 1/2017, giá bán bình quân NPK loại 16-16-8-13s trong nước là 8.400 - 8.500 đồng/kg, giảm 7%; DAP 7.400 - 7.500 đồng/kg, giảm 22%; đạm Urê giá bán bình quân 6.200 đồng/kg, giảm 16,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Tăng năng lực cạnh tranh

Trước những khó khăn đó, năm 2017, giải pháp mà Vinachem đưa ra cho các doanh nghiệp (DN) là chủ động xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để ổn định sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ, nâng cao hiệu quả quản lý nhằm giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh sản phẩm. Vinachem cũng tập trung vào một số giải pháp điều hành sản xuất, kinh doanh linh hoạt để khai thác tối đa năng lực sản xuất hiện có. Nghiên cứu thiết kế sản phẩm mới, điều chỉnh tăng tỷ trọng các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng lớn trong cơ cấu sản phẩm hiện có.

Ông Nguyễn Hạc Thúy- Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam- cho rằng, DN nên đầu tư khai thác các sản phẩm mới mà Việt Nam đang thiếu như: Sản xuất phân bón SA, phân Kali (hiện nay Việt Nam không sản xuất được phân Kali do không có quặng Kali, nên phải nhập khẩu hoàn toàn) để thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng, giảm thiểu lượng phân bón nhập khẩu. Còn riêng với phân Urê, hiện tại sản xuất trong nước đã dư thừa. Phân bón NPK cũng đáp ứng thị trường và hướng tới xuất khẩu.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương)- cho biết, Bộ đã đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) để tạo điều kiện hơn cho DN sản xuất phân bón. Đồng thời, Bộ cũng đang xây dựng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng phân bón theo đúng thông lệ Việt Nam và quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương): Những kiến nghị sửa đổi Luật 71 cho phù hợp với tình hình thực tế là việc làm cần thiết để gỡ khó chính sách thuế VAT cho phân bón. Đây cũng là yếu tố quan trọng để khuyến khích các DN sản xuất phân bón trong nước đầu tư công nghệ mới, sản xuất các loại phân bón chất lượng cao, chủ động nguồn cung với giá thành hợp lý.
Lan Anh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận